Hạc cố lãnh đạm:
- Thế ra cái Ngải đi lấy chồng rồi đấy! Mới mấy tuổi ranh mà đã chồng
với con!
Bảo đăm đăm nhìn Hạc như để dò ý tứ. Hạc thoáng thấy và chợt hiểu,
liền nói chữa:
- Thôi thế thì bác Nhật cũng thoát được cái nợ.
Rồi nhận thấy câu bình phẩm của mình vô nghĩa, chàng hỏi lảng:
- Nó lấy ai thế, em?
- Cũng lấy người trong hàng ấp. Con bác nho Đông.
- Phát, phải không? Ừ, hắn ta cũng khá đấy. Vậy Bảo đã nhận lời đi ăn
cưới?
- Vâng, em đã nhận lời. Không biết mừng họ cái gì được?
- Chà! chẳng gì bằng tiền, cứ mừng họ một hai đồng bạc, phong giấy đỏ,
như đám cưới cái Phẩm ngày nọ.
Hạc đứng ngẫm nghĩ mỉm cười. Chàng nhớ lại những bữa tiệc nhà quê
mà chàng đã cùng vợ đến dự. Những mâm cỗ với món giò bì nhai giòn sần
sật, món chả sụn, cái chìa xương để cầm quấn giấy đỏ, với bát mọc, miến
để lại thòng lòng và bát nước xuýt xao váng những mỡ.
Có lần, người ta lại biết theo cách sang trọng thị thành đem hạt dưa,
thuốc lá ra mời khách hay xa xỉ hơn nữa, tìm cô đầu quê đến hát. Hạc từ
chối không biết cầm trống chầu, người ta liền bảo cô đầu hát chúc mừng
chàng bằng những câu hãm rượu ngọng líu, hay ca những bài hành vân,
nam xang giọng xẩm chợ. Hạc phải cố giữ nghiêm trang và đưa mắt ra hiệu
bảo vợ đừng cười để khỏi làm phật lòng người tá điền.
Những hôm ấy về nhà, Hạc nhại lại giọng cô đầu cho Bảo nghe và hai vợ
chồng cười chảy nước mắt, vui thú và sung sướng.
Vì thế, hôm nay bác Nhật đến mời đi dự tiệc cưới con gái, Bảo nhận lời
liền và nghĩ ngay đến những bộ xống áo mớ bảy mớ ba của cô dâu và các
cô phù dâu.
Nhưng nàng thất vọng khi Hạc sực nhớ ra, bảo nàng:
- Không thể đi ăn cưới được, mình ạ.
- Vì sao?