An lại gục đầu xuống ngủ. Nga thở dài, tự nhủ thầm: "Mà nào có phải
không biết làm việc quan đâu! Vẫn được quan trên khen ngợi đấy chứ".
Nàng lờ mờ thấy rằng quá muộn rồi, quá muộn cái chính sách lấy tiền
làm giàu như kẻ khác rồi. Không phải vì An vụng, không biết ăn lễ, nhưng
vì thanh liêm đã thành một thói xấu của chàng, đã thành cái nết mà ai ai
cũng biết rằng chàng có.
Nga còn nhớ một lần chàng phát tức, phát bẳn, ngâm ầm nhà câu thơ
Kiều:
Thân lươn bao quản lấm đầu!
Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Nga liếc mắt nhìn chồng, và hãy còn sợ hãi.
Hôm ấy, An ở tỉnh về huyện, vẻ mặt lạnh lùng. Đến bữa, Nga mời chàng
vào nhà trong ăn cơm, nhưng chàng kêu đau bụng, rồi ngồi bàn giấy viết
một bức thư dài.
Biết rằng đã xảy ra việc quan trọng, Nga gạn hỏi để biết sự thực. Chàng
chỉ thở dài đáp vắn tắt:
- Tôi xin đổi.
Nga kinh ngạc hỏi lại:
- Xin đổi?
Lãnh đạm, chàng nói:
- Nếu không xin đổi được thì xin thôi… thôi hẳn… xin về.
Mãi sau An mới đem sự thực kể cho vợ nghe.
Chiều hôm ấy chàng ngồi hầu chuyện ông và bà Tổng đốc. Bà này đã cự
chàng một câu ngang tai quá: "Tưởng cho ông đổi sang một huyện tốt thì
ông phải chịu khó làm việc quan, chứ ai lại ông cứ giao hết các việc cho
bọn thừa phái... ông ở đấy cũng bằng phí đi thôi... Thà tìm một huyện nhỏ
mà đổi cho người ta".
Ý nghĩa rõ rệt lắm rồi. Ở một huyện lớn, giàu, mà không chịu lấy tiền
như An thì thực là phí cả cái huyện lớn giàu ấy đi.
Nga loay hoay một đêm để tìm hiểu lời nói của bà tổng đốc. Và nàng
hiểu. Chẳng thế, chiều hôm sau, nàng lại vội vã lên tỉnh hầu cụ lớn bà, và