hứa sẽ cho nốt thực tốt. Ba đứa con trai học ở Hà Nội, thì hai đứa đã xin
được vào trường trung học Tây: "Rồi ta sẽ cho chúng nó sang Pháp".
Nga sung sướng ngước nhìn cười với trăng. Nhưng một làn mây xám
thoảng chạy qua tâm hồn, Nga nhớ tới nét mặt rầu rĩ… và những lời nói
phẫn uất mà trong lúc chán nản An đã thốt ra ở nhà kỹ sư Tòng. Ít lâu nay,
nàng nhận thấy An không được vui, lúc nào cũng như tư lự điều gì…
Và nàng cố tìm hiểu.
Nàng nghĩ ngay đến số tiền hơn hai vạn mà hai vợ chồng đã tiêu hụt vào
tài sản: "Nếu chỉ có thế thì cần gì phải buồn! Bỏ ra rồi thế nào cũng có dịp
thu vào chứ".
Và nàng tưởng tới mấy người bạn đồng nghiệp của chồng, người nào
trước kia cũng nghèo mà nay đều giàu có cả. Đừng nói đâu xa, ngay như
Viết mà cha mẹ đã chật vật mới xoay đủ tiền cho ăn đi học. Thế mà ngày
nay chàng có tới mấy trăm mẫu ruộng và hai nếp nhà lớn cho thuê ở thành
phố Hà Nội.
Vậy, thử hỏi lấy tiền đâu ra mà tậu nhà tậu ruộng? Tiền lương có hơn
trăm bạc thì hẳn chỉ tiêu vào việc ăn mặc cũng chẳng đủ.
- Bổng lểnh!
Bất giác Nga thốt ra hai tiếng ấy. Phải, "bổng lểnh". Làm quan mà không
trông vào bổng lểnh thì sống làm sao được? Chẳng lẽ ăn cơm nhà, làm việc
người?
Nàng nhớ một hôm có nghe Huyên nói với ông Lục lộ câu này: "Người
lính cảnh sát tây ăn lương ba trăm một tháng. Lương của tôi chỉ có chín
chục. Thế mà công việc của tôi nặng nhọc khó khăn gấp mấy công việc của
viên cảnh sát tây". Người Pháp mỉm cười đáp: "Lương! các ông có cần kể
tới lương đâu!".
Thực vậy, người ta vẫn không cần kể tới lương như thế cả. Chỉ trông vào
số lượng chín chục thì đến đóng vai thừa phái cũng chẳng xoay xở ra sao
được, chứ đừng nói đóng vai tri huyện nữa!
Nhưng sao An lại không bắt chước làm như người ta? Không, thể nào rồi
An cũng phải đi đến chỗ đó như mọi người khác, đi đến chỗ xoay tiền. Bây
giờ kể chàng cũng đã chịu nhận lễ đấy, nhưng chỉ nhận những lễ người ta