- Giá mợ đem câu ấy tặng tôi có lẽ đúng. Tôi thấy tôi làm quan là một sự
vô lý quá, khờ dại quá.
Nga cũng cười, cố làm ra vui vẻ, rồi nói lảng:
- Mình còn nhớ hồi đến chơi anh huyện Canh không nhỉ?
An không đáp, Nga kể luôn:
- Khổ sở quá, trong phòng khách một cái bàn gỗ khập khiễng, sáu cái
ghế mây cũ nát thì một cái ba chân với đoạn tre buộc lại. Tôi ngồi phải cái
ghế ẩy suýt ngã bổ chửng, bà Canh ngượng quá.
An thở dài:
- Đấy, tương lai của chúng ta đấy!
Nga cho đó là một câu khôi hài không đáng chú ý. Nàng kể tiếp:
- Lại nước chè thết khách mới thảm chứ! Mùi mốc hôi hăng lên mũi,
mình phải nhắm mắt uống liều…
- Đó là gương một ông quan tốt.
Vừa nói An vừa cất tiếng cười chua chát.
- Muốn là một ông quan tốt chỉ có một cách chịu khổ, chịu sở, chịu thiếu
thốn như thế. Chứ mợ tính lương chín chục bạc mà lại đông con như anh
Canh, không lấy tiền...
- Không biết lấy tiền thì còn có lý.
- Thì cũng thế.
- Phải không cậu, mình làm ơn cho dân, nó đem tiền đến tạ ơn, việc gì lại
không lấy?... Không lấy thì thực ngốc. Đấy, như bác Canh có ai thương
đâu, quan trên thì ghét, mà dân thì nó khinh.
An nhìn vợ, nói mỉa mai:
- Mợ lý luận lắm nhỉ. Mợ bảo làm ơn, kỳ thực mình chỉ làm bổn phận.
Tôi thí dụ một việc cỏn con cho mợ nghe. Bây giờ tôi bắt được một thằng
ăn cướp, và tôi có đủ chứng cớ để làm tội nó. Nhưng tôi lại tha nó. Vậy như
thế có là làm ơn không? Nó đem tiền đến lễ tôi, tôi có cho là nó tạ ơn mà
nhận được không? Nhưng tôi đi hơi xa...
Nga ngắt lời:
- Phải, cậu đi xa quá thực... Như hôm nọ có việc kiện ly dị. Cậu hiểu dụ
cho đôi bên đoàn tụ, thằng chồng cảm ơn cậu đem đến tạ ba chục bạc, thế