và mẹ chồng ngồi đánh suốt, đánh ống, thỉnh thoảng lại ngẩng lên nhìn
nhau mỉm cười.
- Ngọc chưa dậy à, con?
- Thưa mẹ chưa. Tối hôm qua cháu nói chuyện với thầy cháu khuya quá.
Những nét dăn trên mặt bà lão sáu mươi giãn ra:
- Thằng bé đến hay!
Rồi hai người lại yên lặng quay guồng xa, như cũng nghĩ ngợi liên miên.
Công việc nhẹ nhàng kia chính Hạc đã khuyên mẹ và vợ làm theo.
Sau khi ông ngoại qua đời, Hạc mời mẹ lên đồn điền cho vui. Nhưng
chẳng bao lâu chàng lưu ý đến điều này: Hai người đàn bà nhàn rỗi hình
như không thể ở chung một nhà được.
Không phải vì Bảo thiếu kính mến đối với mẹ chồng. Trái lại, nàng rất
ân cần chiều chuộng bà, cố yêu bà như mẹ đẻ. Về phần bà Toàn, thì bà
cũng rất hiền từ. Nhưng sự ỷ eo, nay tiếng bấc, tiếng chì, mai câu nói bóng
nói gió, vẫn không tránh khỏi được.
Bất cứ một việc nhỏ nhặt đến đâu, Hạc cũng tìm biết thấu cỗi rễ. Trước
chàng còn cho rằng mẹ chồng nàng dâu bất hoà với nhau, đó là một tập
quán kiên cố trong gia đình An Nam. Muốn êm thấm chỉ có cách: hai người
ở xa nhau. Nhưng mẹ đã bao lâu sống trong tình cảnh đau đớn, chàng muốn
những năm tuổi tác của bà sẽ là những năm hoàn toàn sung sướng, hay ít ra
cũng là những năm bình tĩnh yên vui giữa một gia đình yêu dấu.
Mà Bảo thì không có điều gì đáng chê. Nàng vẫn hết sức giữ đạo làm
dâu, tuy hai chữ làm dâu nàng cho không có nghĩa gì hết. Vợ chồng nàng
đã lập riêng gia đình thì nàng phải là chủ, còn mẹ chồng nàng, nàng có thể
chỉ coi như một bà khách thân yêu, đáng kính trọng mà thôi. Nàng cũng
hiểu như Hạc rằng bà Toàn gắt gỏng, bực tức buồn phiền luôn là vì hàng
ngày bà nhận thấy tình mẫu tử đi đôi với tình phu phụ. Trước kia ở cách
biệt hẳn, bà không hề nghĩ đến điều đó nhưng nay ở chung một nhà thì tình
âu yếm của con với con dâu như cái gai chọc vào mắt bà.
Hạc đã cố vờ lãnh đạm với vợ để được đẹp lòng mẹ. Nhưng sau chàng
lấy làm tự thẹn với tính tình giả dối ấy: Mình yêu vợ, sao trước mặt mọi
người, mình lại không thể đường hoàng biểu lộ tình yêu ấy ra. Sao mình lại