không thế giảng nghĩa cho mẹ hiểu rằng bổn phận người chồng phải yêu
mến vợ cũng như bổn phận người con phải kính mến cha mẹ.
Nhưng bao nhiêu lời khuyên can ngọt ngào của chàng đều vô công hiệu.
Một hôm, chàng đến thăm nhà một người tá điền giữa lúc người ấy
đương cãi cọ với cha già. Hỏi ra thì chẳng mấy ngày hai cha con người ấy
không to tiếng với nhau. Mà duyên do chỉ tại người cha suốt ngày không
làm gì, và người con từ khi không được phép dạy đàn trẻ học chữ nho nữa,
đã trở nên nhàn rỗi quá, vì bao công việc đồng áng chàng đều phó thác
trong tay vợ và bọn điền tốt.
Hạc hiểu ngay rằng sự bất hoà trong gia đình chẳng cứ chỉ đàn bà gây
nên; bọn đàn ông ở chung một nhà mà ăn dưng ngồi rồi thì cũng đến tìm
cách làm mất sự bình tĩnh của nhau, chẳng khác gì đàn bà.
Và Hạc càng tin cái lý thuyết của chàng đúng: Chỉ sự làm việc mới có
thể đem đến cho con người một tâm hồn khoáng đạt, để sống một đời
khoáng đạt.
Ngày hôm ấy, sau khi hỏi ý kiến mẹ và vợ, Hạc thuê đóng năm cái khung
cửi, và bắt đầu các công việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, dệt lụa.
Trước kia Bảo chỉ đọc sách và cùng chồng bàn bạc về cách mở mang
trong đồn điền. Nay nghe lời Hạc, nàng chia hẳn thời giờ của nàng ra, theo
một bản chương trình vạch sẵn: lúc nào đọc sách, lúc nào dệt vải, canh
suốt, lúc nào theo chồng đi thăm các nương chè, vườn cam. Mùa nào việc
ấy, quanh năm, không bao giờ nàng buồn phiền vì ngồi rỗi.
Từ đó, không ai to tiếng, nặng lời với ai nữa, vì ai nấy đều vui thích bận
rộn với công việc của mình…
Trong tiếng xa vo vo, đều đều, Bảo nhớ lại những ngày đều đều bằng
phẳng trải bốn năm ròng. Tuy năm ấy như năm khác, việc làm từng mùa
không thay đổi mấy, nhưng nàng không hề thấy buồn tẻ - khi người ta làm
việc, người ta không thấy buồn và việc của người ta không bao giờ tẻ. Hơn
nữa, Bảo nhận thấy đời nàng đầy đủ và có một nghĩa rõ rệt: nàng sống để
làm việc và giúp ích.
- Thưa mẹ, có lẽ phải mướn thêm người dệt. Mười cái khung cửi dệt vải
khổ hẹp mà hai tháng nay chỉ có sáu người làm.