phân trần với chồng một câu có vẻ quí phái khiến chàng lại thêm khó chịu
hơn. Nàng vui vẻ nói:
- Thì xưa nay ai làm quan mà không thế, ai làm quan mà không bị họ
hàng quấy nhiễu? Những ông ấy năm nào không đi kinh lược một vòng
những chỗ bà con quen thuộc giàu sang?
Mắt An đỏ ngầu. Chàng dằn từng tiếng bảo vợ:
- Nghĩa là bà vẫn cho rằng "một người làm quan, cả họ được nhờ". Nghĩa
là bà vẫn bắt tôi phải lấy tiền của dân để cung đốn đủ mọi người.
Người nói đi một câu, người cãi lại một câu, chuyện thành ầm ỹ. An toan
bỏ đi, doạ sẽ làm giấy xin từ chức. Nga khóc lóc kể lể lôi thôi. Rồi hai
người lại hoà thuận, cùng nhau ôn tồn bàn chuyện tâm sự. An nói:
- Đấy, tôi đã bảo mợ, nghề làm quan không phải là nghề của tôi, mợ
không nghe, mợ cứ bắt tôi lăn lưng vào. Mợ tưởng làm quan dễ đấy hẳn?
Nga đáp:
- Thì sao người ta làm được cả. Đừng nói người tài giỏi, đến như những
ông ấm dốt, những ông chánh tổng quèn, những kẻ xuất thân làm nho, đi
lính, làm giặc, người ta cũng làm được quan, mà làm được quan một cách
đường hoàng có danh, có giá nữa…
An ngắt lời:
- Thì vẫn được. Thì vẫn có danh có giá. Nhưng tôi không làm được, thế
mới chết chứ!
An cười nhắc lại:
- Thế mới chết chứ, giọng vợ chồng Hạc. Nghĩ đến cái đời êm lặng, đầy
đủ, sung sướng của chú cô ấy mà thèm!
Chàng đem những điều đã nhận xét được trong đồn điền Hạc ra thuật cho
vợ nghe, rồi nói tiếp:
- Nếu mình muốn được thế thì được ngay, có khó gì đâu. Chậm còn hơn
không bao giờ. Chỉ việc quả quyết đệ đơn xin từ chức.
Nga vờ suy nghĩ vì nàng đã quả quyết chứ chẳng do dự như chồng, quả
quyết sống cái đời bà quan. Nàng ôn tồn bảo An:
- Cậu nói rất phải, người ta làm nghề gì cũng có thể sung sướng được,
miễn là đừng đứng núi nọ trông núi kìa. Có tính chóng chán nản như cậu,