thì biết đâu rằng khi làm đồn điền, hay về quê làm ruộng, cậu lại không
thích đi buôn?…
An đã có giọng gắt:
- Đi buôn hay làm gì cũng được, miễn là đừng làm quan.
Nga vẫn ôn tồn:
- Vâng, cậu bằng lòng làm gì là tuỳ ý cậu. Nhưng cũng phải bàn bạc cho
thực cẩn thận đã chứ. Thí dụ, cậu hãy tự hỏi: bây giờ cậu xin từ chức thì sẽ
xảy ra những sự phiền nhiễu gì cho cậu. Trước hết, người ta sẽ đồn ầm lên
rằng cậu bị kiện về việc tham tang, hay về việc gì khác nặng hơn, nên sợ bị
cách phải vội vàng xin từ chức.
An cau có đáp:
- Cần gì!
- Cậu không cần, nhưng tôi cần. Tôi không thể để cậu bị tiếng xấu được.
Cậu không cần, nhưng bên nhà cậu còn có chú già, cậu không nên để phiền
luỵ đến chú. Bên nhà tôi còn có thầy mẹ tôi, tôi không thể để thầy mẹ tôi
buồn bực mà không khổ sở được.
An bật cười:
- Nhưng mình, không có tội lỗi gì, can chi phải lo xa thế?
- Thì cậu coi gương ông huyện Kim độ nọ đấy. Tôi chẳng biết ông ấy xin
từ quan về việc gì, tôi chỉ nghe người ta đồn ầm lên những câu không hay
cho ông ấy một tí nào. Nào, vì ông ấy mê gái, nên từ quan, bỏ vợ. Nào, vì
ông ấy lười biếng bị ông Công sứ mắng cho một chập nên thân ở trước mặt
bọn đồng liêu nên xấu hổ mà xin từ chức. Họ còn kháo nhiều câu tệ hại hơn
thế nữa cơ.
An chau mày:
- Lý thuyết ấy của mợ có lẽ không giữ nổi tôi ở cái chức tri huyện đâu, vì
nếu người ta cứ sợ dư luận thì suốt đời còn quả quyết làm được việc gì?
- Vâng, cậu không sợ dư luận. Nhưng hẳn cậu cũng sợ tôi khổ sở, sợ tôi
bị khinh bỉ chứ. Bây giờ cậu còn tại chức, tôi đi đâu người ta cũng vì nể, về
làng ai ai cũng quí trọng. Lúc cậu bỏ quan về nhà thì trong họ, ngoài làng
người ta còn coi chúng mình ra cái quái gì. Tôi không chịu để người ta
khinh nhờn cậu được.