- Ô hay! Chúng tôi giúp dân nghèo trong đồn điền, sao chú lại không
nhận? Vả tiền của anh An, tiền… tiền...
Nàng toan nói tiền dân họ lễ, nhưng nàng tắc họng không nói được dứt
câu. Hạc mỉm cười gấp tờ giấy bạc bỏ túi:
- Em xin hãy tạm giữ để chốc nữa về bàn với Bảo xem đã. Nếu Bảo bằng
lòng thì em xin nhận. Dẫu sao cũng xin vì dân nghèo, trân trọng cảm tạ anh
chị.
Nga đỏ bừng mặt quay đi. Nàng nhận thấy sự làm phúc của vợ chồng
nàng không xứng đáng với lời cảm ơn thành thực kia.
*
* *
Nga cảm động xiết bao, khi ô tô vừa tới cổng ấp, nàng nhìn vào sân đã
thấy em dắt con đứng vẫy. Đương may màn ở nhà ngang, nghe tiếng còi
điện quen tai, Bảo đoán ngay là chị đến chơi, và vui mừng ẵm con chạy bổ
ra. Nga mở vội cửa và xe chưa đứng hẳn, nàng đã nhảy xuống bế Ngọc lên
hôn lấy hôn để.
- Em sung sướng quá, đã lâu lắm chị không lên chơi. Mà chị đi được
sớm nhỉ! Dễ chưa đến bẩy giờ.
- Tôi đi từ mờ mờ sáng, cô ạ. Lúc ấy tôi không xem giờ,… nhưng có lẽ
chỉ vào khoảng bốn rưỡi là cùng.
Hạc cũng vừa tới, giao ngựa cho người nhà, rồi đứng phủi bụi bám trắng
cả bộ quần áo vàng. Nga ngắm nghía mỉm cười, thì thầm bảo em gái:
- Tôi mời chú lên ô-tô, chú không nghe. Ai lại chạy theo sau xe để hứng
bụi thế kia?
Bảo cũng mỉm cười âu yếm nhìn chồng:
- Thưa chị, bụi còn khá! Nhiều khi bị cả bùn bắn từ đầu đến chân nữa
kia. Theo nghề nông, không thể sợ cát bụi, bùn lầy được.
Rồi nàng cười ròn rã tiếp luôn:
- Những hôm bị ướt át, lấm lấp như thế là những hôm ăn ngon cơm.
Nghe câu nói rất tự nhiên của Bảo, Nga lẩn thẩn so sánh ngay cái đời
làm lụng của Hạc ở ngoài đồng với cái đời nhàn nhã trong buồng giấy của
chồng mình. Và nàng cảm thấy buồn rầu vơ vẩn, thở dài bảo hai người: