Vào khoảng xế trưa có tiếng trống cà rùng: đó là làng rước lễ đến. Ông
Án và con trai, con rể ra nghênh tiếp. Một cái án thư trên có buồng cau và
bốn chai rượu đặt trước bàn thờ, rồi lần lượt, theo thứ tự trên dưới, bọn
quan viên vào làm lễ. Hai bên Phương, Viết và Hạt, người cháu đích tôn,
đứng đáp lễ. Ông Án bắt phải thế. Còn An thì mặc tính nghiêm khắc của
ông nhạc, mặc những lời day dứt của vợ, chàng bỏ đi nằm một chỗ: chàng
nhất định không chịu lễ đáp một ai hết. Nga tức giận đến phát khóc: Nàng
cho sự lễ đáp không làm cho người ta mất nhân phẩm, mà trái lại, còn làm
tôn giá trị của mình và của nhà mình lên, vì làng xóm sẽ cho mình là người
con hiếu thảo và nhà mình là một gia đình nề nếp, quý phái, biết trọng lễ
nghi.
Nga càng căm giận chồng khi nàng nghe thấy người ta khen ngợi anh và
anh rể: "Quan tham với quan huyện tốt lắm, có hiếu lắm, mà khiêm tốn
quá! Nhà gia giáo có khác!". Nàng cho rằng họ muốn mỉa mai chồng mình
không phải con nhà gia giáo. Nhưng nàng cũng không dám kỳ kèo chồng,
sợ ầm ỹ cửa nhà khiến người ngoài cười chê. Nàng chỉ ngồi trong buồng
sụt sịt khóc thầm, thương thân lấy phải người chồng không ra gì.
Đến lúc nàng ngồi vào bàn sắp sửa ăn cỗ, nàng cố gượng vui tươi bảo
An:
- Anh không chịu lễ đáp thì thôi, đã có anh Huyện và anh Tham. Nhưng
em xin anh, anh chịu khó ra mời làng một câu. Anh cứ dõng dạc, chững
chạc. Hèn kém ai mà phải giấu mặt?
An gắt:
- Việc gì tôi phải giấu mặt.
Nga đấu dịu:
- Vâng, em biết thế. Vậy anh ra mời làng một câu.
Nghe giọng van lơn của vợ, và trông mặt vợ có ngấn lệ, An thương hại,
theo Viết và Phương sang sân nhà thờ. Ở khắp các bàn, ai nấy đứng cả dậy,
chăm chú nhìn vào cái thẻ ngà hách dịch của Viết.
- Xin mời các cụ, các quan viên chiếu cố...
Không để Viết nói dứt câu, nhiều người tranh nhau đáp: