Nhưng gần đấy, tiếng cãi cọ om xòm làm lấp hẳn câu chuyện khích bác.
Đó là bàn mấy ông tổng lý: Họ đem việc làng ra hỏi vặn nhau, ghen tị nhau
ăn hơn ăn kém, tiêu lạm món nọ, món kia. Nếu ông án Báo không vội đến
can ngăn thì đã xảy ra một cuộc ẩu đả.
Hào, lý trưởng cựu, đứng dậy khúm núm gãi tai:
- Bẩm cụ lớn tha lỗi cho, chứ thứ anh lý mua này vào đâu mà dám nhảy
lên ngồi cùng bàn với chúng con.
Biết bọn kia say rượu lắm rồi, ông Án ôn tồn cười nói:
- Cái lỗi ấy là tại tôi, vì tại tôi xếp đặt không được chu đáo. Nhưng thiết
tưởng có phải ở chốn đình trung đâu mà chia thứ bực cẩn thận quá thế.
- Bẩm cụ lớn, như anh ấy biết điều thì đã ngồi xuống bàn dưới.
Huấn, người đã bỏ ra hai trăm bạc mua cái chức lý trưởng của làng để
lấy chỗ ăn trên ngồi trốc, cũng chẳng phải tay vừa. Anh ta đứng dậy nói:
- Bẩm cụ lớn, con tuy là lý mua, nhưng chẳng hà lạm của dân làng đồng
nào bao giờ, như thế kể còn danh giá bằng mấy cái lý trưởng thực thụ của
kẻ khác.
Ông tú Viêm là người vẫn nhờ vả, vay mượn ông Án, liền nhân dịp, nịnh
khéo ông một câu:
- Các thầy không được hỗn! Có cụ lớn đứng đây mà các thầy dám cãi
nhau. Thấy cụ lớn dễ dãi không thèm chấp lại cứ lủng hủng. Có đời thủa
nào đến cúng giỗ nhà một ông quan tiên chỉ mà vô lễ như thế được không?
Nghe tiếng ầm ỹ, An và Phương đã từ trên gác đi xuống. An buồn rầu
bảo anh vợ:
- Ngày kỵ ở nhà quê ta chỉ là một dịp để họ dựa hơi men mà cãi cọ, bới
móc nhau.
Phương mỉm cười đáp:
- Ấy là họ còn nể thầy đấy, chứ ở nhà khác thì không khéo đã choảng
nhau rồi.
Nhưng một giờ sau, An đã buồn rầu, đau đớn nhận thấy rằng ngày kỵ
chẳng phải chỉ là một dịp để quan viên trong làng mượn chén châm chọc,
lấn át nhau, mà lại còn là một ngày để cha mẹ, anh em, chị em họp mặt
đông đủ giữa làn không khí hiềm khích, bất hoà.