Những người khơi chuyện ra cố nhiên là Phụng và Nga. Không biết vô
tình hay hữu ý, Phụng thuật lại với bà Án một việc lôi thôi xảy ra giữa nàng
và một người bạn, rồi kết luận:
- Bẩm mẹ, sao ở đời có lắm đứa hay ghen tị như thế? Thấy người ta hơn
mình thì hậm hực, khó chịu, nói bóng nói gió.
Bà Án cười đáp:
- Thì chị cứ mặc người ta có được không!
- Bẩm mẹ, khốn nhưng mà mình im, họ lại cho là mình ngu, không biết
gì.
Nga nóng bừng mặt, đỏ cả hai má như người say rượu, tuy nàng chưa
nhấp tới cốc rượu nho còn đầy nguyên. Cái đưa mắt của Vân làm cho ngọn
lửa tức giận càng bùng bùng cháy ở trong lòng nàng. Nàng cố lấy giọng
bình tĩnh nói với mẹ:
- Thưa mẹ, chị con cứ tưởng thế đấy thôi, chứ cái tri huyện của anh Viết
to tát gì cho lắm mà người ta phải ghen tị với chị con.
Bà Án, giọng kéo dài:
- Thì cô bảo cậu ấy học đi rồi cũng đỗ tri huyện chứ sao! Việc gì mà phải
ghen với ghét?
- Thưa mẹ, khi nào con ghen ghét?
Ông Án phá lên cười:
- Ban nãy họp việc làng, bây giờ lại họp việc làng nữa sao?
Viết được bố mẹ vợ yêu quý nên nói chêm:
- Bẩm, ban nãy việc hương đảng, bây giờ việc gia đình.
Lời bình phẩm mát mẻ của Viết làm Nga tái mặt đi. Nàng ngồi ngẫm
nghĩ tìm dịp báo thù. Nhân ông Án và Phương nói chuyện về việc học của
Minh và kỳ thi tú tài sắp tới, Nga cố xen một câu:
- Bẩm thầy, ở bên làng có hai người đỗ bằng thành chung đến xin học tư
nhà con để dự kỳ thi tú tài sang năm, nhưng nhà con từ chối không dạy.
Ngồi đầu bàn đối diện vợ, An nâng cốc rượu uống để che cái mỉm cười
không giấu nổi. Chàng hiểu rằng câu nói dối của Nga chỉ cốt để tặng Viết
vì Viết cũng đậu bằng thành chung trước khi tòng học tại trường Pháp