Ông chú không ra mặt phản đối, nhưng ông xui một người ương ngạnh
trong làng đứng lên nói ở giữa đinh:
- Ông Đặng Đình Phòng (tên cha Viết) bỏ làng đã bao lâu nay, không
nhìn nhận gì đến việc hương đảng, nay con ông ta đậu được cái “đít-lôm",
phải, đít-lôm chứ chẳng cử, tú gì ráo, ông ta định khao vọng ầm ỹ để con
ông ta lên ăn trên ngồi trốc, vậy xin hãy xét xem có nên để ông ta khao
vọng không đã.
Một số đông trong đám kỳ lý về cánh với ông chú Đặng Đình Tạ. Nhưng
ông Phòng đã khôn khéo đến trình huyện và hôm con về làng vinh quy bái
tổ, ông sắm lọng, sắm cờ, sắm quạt rước sách rất là đường hoàng, trịnh
trọng.
Tạ chọi lại bằng cách xui nhẹ cánh mình không đến dự tiệc khao vọng
của anh, thành thử Phòng phải đào một cái hố lớn để chôn cỗ.
Năm ấy Viết đem theo vào trong trường Pháp chính lòng quả quyết báo
thù.
Từ đó chàng đi từ sự đắc thắng nọ đến sự đắc thắng kia: Lấy con ông
phủ Bảo, thi ra chiếm số đầu.
Ông Phòng nhận được tin con đậu ở trên giường bệnh. Trước khi tắt thở,
ông còn ân cần nhắc lại với con một lần cuối cùng cái chí báo thù chú, báo
thù làng. Rồi ông mỉm cười rời sang thế giới bên kia.
Sau ba năm làm tham tá toà sứ, Viết được bổ đi tri huyện. Và chẳng bao
lâu, chàng đưa mẹ về làng, làm cửa làm nhà, tậu vườn tậu ruộng. Biết rằng
muốn chống lại với chú, tất phải có vây cánh thực mạnh, chàng chẳng tiếc
bỏ tiền ra mua chuộc lòng bọn đàn anh trong làng.
Ông chú ở một khu đất rộng có tới gần hai mẫu, và trước kia vẫn đi
chung ngõ xóm vừa sâu, vừa tối, vừa bẩn. Về sau, ông ta điều đình với một
người láng giềng nghèo để mở cổng đi tắt qua một cái vườn bỏ hoang của
người ấy. Như thế, ngõ vừa rộng rãi sáng sủa, vừa gần đường làng, có thể
đi xe vào thẳng trong sân được.
Có người mách với Viết. Tức thì Viết về làng mua bằng được thửa vườn
kia. rồi dùng nứa và tre rào vít kín bốn mặt lại. Tạ có nói ra nói vào, nhưng
Viết mặc kệ.