- Cô Bảo nói sáng thứ năm mồng chín đi chuyến xe hoả thứ nhất... Gần
mười giờ đến Nam.
- Vậy chờ cơm sáng em nhé?
- Cố nhiên… Tôi phải lên Nam đón cô Bảo không nhỉ?
Nga suy nghĩ:
- Ừ phải đấy, cậu chịu khó lên Nam đón em. Thứ năm là hôm nào nhỉ?
- Ngày kia.
Thế là bức thư của Bảo đã tạm giải hoà được An và Nga. Trong luôn hai
hôm, Nga âu yếm hỏi chồng từng tí về cách bài trí trong buồng ngủ, buồng
khách cho được thật lịch sự. Và suốt từ sáng đến tối, nàng sai bảo bọn
người nhà quét tước, lau chùi: nào giở màn, đệm ra giặt, phơi, đập, nào moi
các đồ cổ ở hòm ra bày, rồi ra vườn bẻ hoa về cắm, nào đi chợ mua gà, vịt,
rau, quả và đủ các món quí, ngon. Thực là rộn rã ầm ĩ như trước ngày tết
Nguyên đán vậy.
Là vì Nga muốn Bảo sẽ nhớ mãi sự đón tiếp long trọng và thân mật của
nàng, nhất là sẽ không bao giờ dám phàn nàn hay ngờ vực rằng nàng xấu số
lấy phải người chồng quê kệch chẳng biết một chút lịch sự gì. Nàng tự nhủ
thầm: "Thế nào rồi nó chả kể lại với vợ chồng huyện Viết. Mình mà lụi xụi
để đến tai thằng cha Viết nó chê cười, thì từ đây chả còn dám vác mặt về
trên làng Đống nữa!".
Nga sung sướng nghĩ đến cái xe ô tô còn mới nguyên An vừa mua lại
của một người bạn. "Thế mà hôm mua xe, mình cự mãi An! Rõ thực vô lý".
Hôm rời làng Đống trở về, Nga luôn mồm khen chị Phụng sung sướng
và so sánh cái đời sang trọng, bề thế của chị với cái đời xo dụi, ẩn núp của
mình ở một xó quê. An cáu kỉnh hỏi vợ:
- Thì mình kém chị ấy những cái gì? Mình có ăn đói bao giờ không? Có
mặc rách bao giờ không? Mình muốn sắm thứ gì tôi có cấm đoán mình bao
giờ không? Mình còn thèm khát những thứ gì nữa. Hay mình thấy chị Viết
có ô tô mà mình không có? Mình cứ nói một tiếng là thế nào tôi cũng có đủ
tiền mua ô tô cho mình.
Nga bĩu môi:
- Sao mà sẵn tiền quá thế!