những con gà luộc, lại thêm một sự lố lăng vào bậc nhất trong những sự lố
lăng: thuê hai thằng đeo mặt nạ đi theo múa hát pha trò hề để người ta đi
xem cười phá lên từng cơn. "Mình đã chịu đựng được những sự vô lý ấy thì
sao hôm nay mình không tự ép đứng đại bái một lát cho xong chuyện, cho
êm cửa êm nhà?".
Thế là tính nhu nhược đưa An từ sự nhượng bộ nọ đến nhượng bộ kia.
Chàng đóng mũ rơm, áo sô, ngoài khoác cái áo ngắn đan sơ sài bằng sợi
gai, lom khom chống gậy, theo nhịp trống, theo người dẫn, thản nhiên,
khoan thai bước vào cái ổ rơm làm lễ. Chàng đau đớn thương xót cha,
nhưng lòng tức giận về sự giả dối của mớ lễ nghi phức tạp đã chiếm hết
tâm hồn chàng làm cho chàng đứng trước linh toạ không còn nghĩ đến cha
nữa. Chàng cũng không lưu ý tới một việc gì quanh mình, để mặc người ta
mở sách gia lễ ra mà theo từng ly từng tí, chỉ nóng nảy mong cho chóng
diễn xong vở hài kịch có chàng đóng vai chính. Ý nghĩ vô lễ đối với cha
làm cho chàng ứa lệ, nhưng chàng không biết sao, người có tư tưởng không
ai không nghĩ thế được. Chàng nức nở bưng miệng lâm râm khấn thầm tạ
lỗi cha.
Có tiếng xướng dõng dạc: "Cử ai!". Phía sau, hai người anh rể khóc như
hát: "Hừ! hi hi!". Chàng không biết nên cho đó là tiếng khóc hay là tiếng
cười. Còn hai người chị thì không khóc mà cũng không cười, họ chỉ kể lể
những nỗi thương nhớ của họ ra.
An đương sụt sùi khóc, thấy thế bỗng im bặt. Người đứng bên chàng ghé
lại khẽ nhắc: "Cậu khóc đi!". An chau mày lặng thinh.
Rồi đến lúc đọc văn tế, An quì đã sưng cả hai đầu gối, mà bác "quan
viên" vẫn khoan thai, ngân nga kéo dài cái giọng hát nỉ non. Trước mắt An,
trên thân con bò và con dê thui quấn nhây nhớp những lòng cùng gan, phổi,
đàn ruồi bám đen kịt. An ghê tởm. Mùi hôi tanh xông ra, lẫn với mùi hương
trầm, trở nên một mùi khó tả, càng làm cho chàng lợm giọng.
Chàng cổ lắm mới giữ được vẻ trang nghiêm. Nhưng lúc người ta trịnh
trọng hô rời rạc luôn ba lần một câu chữ nho mà chàng chẳng hiểu nghĩa là
gì hết thì chàng không thể không thốt nhiên tưởng tới những tục mọi đã