- Không phải thế đâu, chỉ vì bà Cán được mãn nguyện rồi, nên chả còn
cần phải cắn rứt chồng nữa đấy thôi.
Đi từ bãi biển về nhà, An tự nhủ thầm: "Ừ, việc gì mà chết! Vả chết
xuống âm phủ biết đâu lại không lấy vợ, và bà vợ biết đâu lại không làm
mình khổ sở".
Chàng thích chí cười to và nghĩ tiếp:
"Thì mình cứ coi như chết rồi, vì làm một việc mình không thích thì
cũng như chết. Như thế càng khỏi mang tiếng tự tử… ừ, mình mà tự tử thì
thế nào các báo họ cũng đăng ầm ỹ lên… Ê chề quá!".
Thế là An quả quyết sống theo quan niệm của vợ. "Thế cũng là một cách
tự tử! Thôi cốt gia đình được êm thấm… Sao mình lại không phải là lòng
hy sinh, mà chỉ là tính nhu nhược".
Vừa về đến nhà, An vui tươi bảo vợ:
- Mợ ạ, mợ nghĩ thế mà phải.
Nga vẫn còn giận chồng nên lặng thinh không đáp. An nói luôn:
- Thế nào tôi cũng phải làm theo ý mợ, nghĩa là phải đi học nữa.
Nga ngửng đầu, kinh ngạc nhìn An.
- Vì làm ruộng buồn lắm. Vậy mợ chịu khó ở nhà trông coi vườn ruộng,
để tôi đi Hà Nội học nhé?
Nga còn ngờ vực, vờ gắt để dò ý chồng:
- Tôi không đùa.
- Ô hay! Tôi có đùa đâu, tôi nói thật đấy mà.
Ngay chiều hôm ấy, An làm giấy xin vào trường Đại học. Lúc bấy giờ
Nga mới tin là chồng nói thực.
Trong đời gia đình của An, chẳng thời nào chàng được hưởng sung
sướng, bình tĩnh bằng mấy tháng trước khi đi Hà Nội theo học: Nga hết sức
âu yếm và phục tòng, chiều chuộng.
Trước ngày An lên đường, hết người nọ đến người kia trong họ làm tiệc
tiễn chàng coi như chàng sắp đi du học bên Pháp, và mừng chàng coi như
chàng đã thi đậu và sắp sửa ra làm quan lớn nay mai. Và ai nấy đã bắt đầu
gọi tôn chàng là quan lớn rồi.