bạc về cách khai khẩn, khuếch trương các đồi ruộng còn bỏ hoang. Nàng
nói tiếp:
- Chị ạ, nhà em thích làm việc lắm. Mà hình như làm việc chỉ để làm
việc. Lợi tức nhà em cho là phụ. Chị chưa trông thấy nhà em đứng thuật
chuyện trồng chè đấy. Nhà em giơ chân, hoa tay chỉ trỏ, tả những cái đẹp
của rặng chè mới lớn nghe ngon lành, và tưởng tượng đã sướng mắt rồi, chị
ạ.
Nga cười:
- Tưởng tượng thì sướng mắt sao được?
- Trước kia em thực khó chịu về cái cách khai khẩn của nhà em, nhưng
nay em đã quen đi rồi, em đã nhiễm mất tính nhà em rồi, chị ạ. Em nói câu
này chị đừng cười nhé? Mấy hôm nhà em giận, mà giận là phải lắm, nhà
em bỏ đi, em thấy đời em vô vị và vô nghĩa quá. Thì ra hình như chúng em
sinh ra để sống với nhau hay sao ấy.
Nghe câu nói quá bồng bột ý tưởng lãng mạn của em, Nga vừa cảm động
vừa buồn cười.
Nàng mủm mỉm nghĩ thầm: "ở đời có thể có một cặp vợ chồng lý tưởng
được như thế không?". Bảo lại nói:
- Từ giờ có lẽ em kệch không dám giận nhà em nữa. Lần nào cũng vậy,
chị ạ, cú giận nhau rồi em mới biết là em trái. Ngày mới lên đồn điền, đã
một lần cãi nhau, giận nhau. Một người tá điền nhận mười mẫu đồi để trồng
cam, từ hồi còn người quản lý đứng trông coi đồn điền kia. Người tá điền
với người quản lý găng nhau hết sức, một đằng thì không chịu nộp thuế, nói
thon lỏn rằng chưa có tiền, một đằng thì nhất định đuổi người kia đi, không
cho ở trong đồn điền nữa. Nhà em lên đây, thấy có chuyện ấy liền đến thăm
ấp người tá điền rồi thấy vườn cam của hắn tốt quá, nhà em cho không
ngay hắn mười mẫu vườn, nói khi nào làm ăn khấm khá hãy nộp thuế cũng
được. Chị tính thế thì có tức lộn ruột không? Em kỳ kèo nhà em thì nhà em
đem những thuyết xã hội vẩn vơ ra diễn giảng. Nào những người ta khó
nhọc trồng trọt mới có được cái vườn đẹp thế, sao bỗng dưng lại đuổi người
ta đi? Người ta không nộp thuế cho mình chỉ vì người ta chưa kiếm được
đủ đó thôi.