nữa, mà còn có chuyện khác đáng lo ngại hơn. Vợ chồng ông tham thấy rõ
ràng (sức quan sát của ông tham vô cùng nhạy bén, chuyện này không thể
lọt qua mắt ông được) mặc dù lần này cả hai vợ chồng Permaneder đều đau
buồn cả, nhưng không vì thế mà họ có thể gắn bó với nhau hơn được.
Ông Permaneder yếu đuối về mặt tình cảm, điều đó cũng không có gì
đáng chê trách... Ông ta đau khổ thật sự. Thấy đứa bé tắt thở, từng giọt nước
mắt to tướng từ đôi mắt sưng húp của ông ta trào ra, chảy dọc theo gò má
phinh phính xuống râu. Hai ba lần ông ta than thở:
— Chao ôi, đen quá, đen quá!
Nhưng theo Tony quan sát thì cuộc sống thoải mái nhàn hạ của ông ta vẫn
không bị quấy quả lâu lắm. Giờ tiêu khiển của ông ta ở hãng rượu Hoàng gia
vào buổi tối đã mau chóng làm cho ông ta quên hết mọi nỗi đau khổ. Câu
“Chao ôi, đen quá, đen quá!” mà ông ta hay nói đầu miệng cũng đã bao hàm
quan niệm về số mệnh của ông ta rồi. Với cái quan niệm về số mệnh đó, ông
ta đã sống một cách an nhàn vui vẻ. Thỉnh thoảng ông ta càu nhàu một tí,
nhưng lại có vẻ tê liệt đi.
Từ đó trở đi, lúc nào trong thư của Tony cũng có những lời lẽ bi quan,
chán chường... Cô viết: “Chao ơi... con khổ quá mẹ ạ! Đầu tiên là chuyện
Grünlich phá sản, sau đến chuyện Permaneder bỏ không buôn bán, rồi thì
đến con chết. Con có tội tình gì mà phải chịu nhiều nỗi bất hạnh như vậy!”.
Ông tham đọc những lời than thở đó thì lại không nhịn cười được, bởi vì
mặc dù lời lẽ trong thư đau khổ thế nào đi nữa, nhưng qua từng dòng từng
chữ, người ta vẫn thấy được vẻ kiêu kỳ đến buồn cười của Tony, đã hai đời
chồng rồi nhưng vẫn còn trẻ con lắm. Tựa hồ như đối với những điều cô gặp
phải, lúc đầu cô không tin là thật nhưng sau đó thì cô lại lấy làm điều, và
chịu đựng một cách rất là trẻ con. Cô không hiểu mình có tội tình gì mà phải
chịu đựng bao nhiêu đau khổ như thế, bởi vì mặc dù cô giễu cợt lòng ngoan
đạo của mẹ cô, nhưng cô cũng có những niềm tin tương tự như thế trong đầu
óc. Cô tin rằng trên đời này quả có cái gì là nhân quả báo ứng... Tội nghiệp
Tony! Đứa con gái thứ hai chết chưa phải là nỗi đau khổ cuối cùng của cô,
cũng chẳng phải là điều tàn nhẫn nhất đối với cô...
Cuối năm 1859 đã xảy ra một chuyện khủng khiếp.