Chị vú em hất cái mũ của chú bé lên một tí, mục sư chấm hai giọt nước
trong cái khay mặt mạ vàng đáy bạc để ở phía trước, thận trọng rưới lên mái
tóc lưa thưa của chú bé rồi thong thả đọc cái tên do cụ ta đặt cho: Justus,
Johann, Kaspar, sau lại cầu nguyện một lúc nữa, rồi bà con thân thích lần
lượt từng người đến đặt chiếc hôn chúc mừng lên trán chú bé đang nằm im
lặng, lãnh đạm, tê dại... Bà Therese Weichbrodt đi sau cùng. Đến lượt bà, chị
vú em phải bế thấp chú bé xuống, còn bà ta thì hình như xúc động lắm, hôm
thêm “chút, chút” và nói: “Cháu ngoan lắm!”.
Sau ba phút, tất cả mọi người, tốp năm tốp ba, vào phòng khách và phòng
xa-lông. Thức ăn ngọt bắt đầu bê lên. Cả mục sư cũng ngồi đấy húp lớp bơ
trong cốc sô-cô-la nóng. Ông ta mắc cái áo thụng dài tận mắt cá để lộ phía
dưới tà áo đôi ủng rộng đánh xi bóng lộn. Lúc ông ta tán chuyện, nét mặt
ông ta hiền hậu dịu dàng, khác hẳn khi ông ta rao giảng, do đó ông ta để lại
cho người khác một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Mỗi một cử chỉ của ông ta
đều tỏ ra rằng: “Xem! Tôi cũng có thể trút bỏ cái lốt mục sư mà làm một
người trần tục vui vẻ dịu dàng đấy!”. Đúng như thế, ông ta là một người
thông minh, lanh lợi, bình dị, dễ gần. Nói chuyện với bà cụ tham, giọng ông
ta ôn tồn uyển chuyển, nhưng với ông Thomas và bà Gerda thì ông ta tỏ ra
một người xử thế cơ mưu; bất cứ lúc nào ông ta cũng giơ tay làm điệu bộ,
còn với bà Tony thì ông ta lại lấy giọng thân mật, cợt nhả vui đùa... Có lúc,
nghĩ đến địa vị của mình, ông ta liền bắt tréo tay để lên gối, ngả đầu ra phía
sau, chau mày lại, mặt dài thuỗn. Khi cười thì bao giờ ông ta cũng thít chặt
hai hàm răng lại rồi hít vào liên tục.
Bỗng ngoài hành lang nhốn nháo hẳn lên. Có tiếng cười ồ ồ của bọn đầy
tớ vọng vào. Một người khách kỳ quái xuất hiện ở cửa. Đấy là Grobleben.
Cái mũi nhọn hoắt của anh ta quanh năm thò lò mũi nước, cứ thòi ra thụt
vào, nhưng không bao giờ rơi xuống cả. Anh ta là cu ly ở kho lương thực
nhà ông tham, nhưng ông tham lại sai anh ta làm nghề phụ khác - đánh giày.
Hằng ngày, cứ tờ mờ sáng là anh ta đến phố Breiten lấy những đôi giày để ở
cửa, ngồi ở hành lang đánh hết chiếc này đến chiếc nọ. Gặp những dịp vui
mừng, lễ lạt, anh ta thường diện com-lê vào, mang hoa đến nhà, ăn nói thật
là trơn tru. Nước mũi ở cái mũi nhọn hoắt của anh ta cứ đu đưa. Chờ anh ta