CHƯƠNG
II
Mùa xuân năm 1668, khoảng mười giờ tối, bà Tony đến tòa nhà mới ở
ngõ Hàng Cá, lên gác hai. Ông nghị Buddenbrook đang ngồi một mình trong
phòng khách; trong phòng, đồ đạc đều có những tấm vải màn màu xanh kẻ
hình quả trám bao phủ, chính giữa trần nhà treo một ngọn đèn măng-sông,
phía dưới là một cái bàn tròn. Ông nghị đang ngồi cạnh bàn, cúi xuống đọc
tờ Tin tức sở giao dịch Berlin. Ngón tay giữa và ngón tay trỏ của ông cặp
điếu thuốc lá, mũi cặp cái kính gọng vàng. Gần đây, lúc làm việc ông đã
phải đeo kính rồi. Nghe tiếng chân bà em gái từ phòng ăn bước tới, ông bỏ
kính xuống, nhìn kỹ vào bóng tối, mãi cho đến khi bóng bà Tony hiện ra
trong ánh đèn giữa cái màn treo.
— À, chào cô! Đã ở Pöppenrade về rồi đấy à? Bạn bè cô khỏe cả chứ?
— Chào anh Tom! Cảm ơn anh! Armgard khỏe... Anh ngồi đây một mình
thôi ư?
— Vâng! Cô đến rất đúng lúc. Tối nay tôi ăn cơm một mình, đơn độc
lắm, chẳng khác gì đức giáo hoàng. Có bà Jungmann cũng như không, chốc
chốc bà ta lại chạy lên gác với Hanno... Gerda thì đến câu lạc bộ. Chú
Christian thì đi đón cô ấy đi nghe Tamayo biểu diễn violon...
— Lạ thật! Em lại nói câu mẹ thường nói ở đầu miệng rồi! Đúng đấy, anh
Tom ạ, gần đây em thấy chị Gerda ăn ý với anh Christian lắm!
— Tôi cũng vậy, từ sau khi chú ấy về, cô ấy bắt đầu thích chú ấy lắm.
Thậm chí những lúc chú ấy kể bệnh tình của mình, cô ấy cũng lắng tai nghe,
không chán... Trời ơi! Tôi cho là chú Christian có thể làm cho Gerda khuây
khỏa. Hai hôm trước, Gerda còn nói với tôi: “Chú ấy không giống thị dân tí
nào, anh Thomas ạ! Lại càng không giống anh mảy may!”