Nhưng chả nhẽ như vậy không được hay sao? Vận dù đen mấy đi nữa
cũng phải có lúc hết. Ông nghĩ như vậy. Khi vận đen tới thì an phận thủ
thường chờ thời cơ, dự trữ lực lượng, chẳng phải là thông minh ư? Tại sao
bây giờ bà Tony lại bảo ông làm chuyện ấy, làm cho ông mất cái trạng thái
an phận thủ thường thông minh kia, để mà chuốc lấy những điều lo lắng
nghi ngờ? Chả nhẽ đã đến lúc rồi hay sao? Chả nhẽ đó là tín hiệu hay sao?
Liệu ông có nên lấy lại tinh thần, đứng dậy gắng sức mà làm không? Vừa
rồi, ông cự tuyệt đề nghị hợp lý của bà Tony, giọng nói của ông hết sức kiên
quyết. Nhưng chuyện ấy đến đó là kết thúc thật hay sao? Hình như không
phải? Ông đang ngồi đây suy nghĩ một cách khổ sở kia mà? Con người ta
khi nào cảm thấy bất lực, không chống lại nổi sự cám dỗ thì mới đâm ra bực
bội với đề nghị của người khác như thế! Té ra bà Tony cũng ranh mãnh đấy!
Ông đã trả lời với bà em gái như thế nào nhỉ? Nhớ hình như ông cố tình
nói những câu làm cho người ta ghê tởm như: “hành động bẩn thỉu... đục
nước béo cò... bóc lột tàn nhẫn... đánh một người không còn đủ sức chống
đỡ... dùng mưu chiếm những món lợi khổng lồ...”. Khá lắm! Có điều người
ta không thể không hỏi lại, làm gì mà phải dùng những lời lẽ ghê gớm như
thế? Chắc chắn ông tham Hagenström không thể dùng những lời lẽ đó, cũng
không sao tìm ra được những lời lẽ đó. Rốt cuộc, ông Thomas Buddenbrook
là một thương gia có khí phách, dám hành động hay chỉ là một người nhu
nhược đắn đo, do dự làm gì cũng lo lắng chần chừ. Đúng rồi, quả thật đây là
một vấn đề: lâu nay từ khi ông bắt đầu tính toán các vấn đề, thì đây là một
vấn đề. Cuộc sống thật là gian khổ mà cũng thật là tàn nhẫn, vô tình.
Đời kẻ thương gia chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống phức tạp.
Trong cuộc sống đầy gian khổ này, ông Thomas Buddenbrook có đứng vững
được như tổ tiên hay không? Từ lâu rồi, ông thấy một số việc khiến ông hoài
nghi điều đó. Hồi còn trẻ, trước cuộc sống vô tình, ông thường bắt buộc tình
cảm của mình trơ đi, ông tập xử thế tàn nhẫn, tập chịu đựng sự tàn nhẫn mà
không cho là tàn nhẫn, tập coi sự tàn nhẫn của người đời là tất nhiên, chả
nhẽ không bao giờ ông tập được điều ấy hay sao?
Ông nhớ lại những cảm tưởng mà biến cố thảm hại năm 1866 đã in sâu
trong đầu óc ông, cũng như những nỗi đau khổ không sao hình dung được