nồng nhiệt. Lý tưởng của họ là tự do chính trị, tự do kinh tế, tự do ngôn luận
và tự do tín ngưỡng. Trái lại, thị dân lớp trên thì đang dần dần thay thế giai
cấp quý tộc và trở thành một giai cấp phong kiến mới, một thứ “phong kiến
tài chính” chỉ biết đồng tiền, chỉ biết lợi nhuận, chẳng bao lâu nữa sẽ là tư
bản lũng đoạn.
Do chủ nghĩa tư bản phát triển chậm, nên giai cấp công nhân và chủ nghĩa
xã hội ở Đức hồi bấy giờ quả thật còn non yếu. Giữa thế kỷ XIX, nước Đức
tiến bộ hơn nước Pháp hồi những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII; tuy vậy,
ở Phổ cũng như ở các bang khác, sản xuất thủ công nghiệp vẫn mạnh hơn
sản xuất bằng máy móc, nghề thủ công phổ biến hơn công xưởng. Cuộc khởi
nghĩa của thợ dệt Silesia bùng nổ năm 1834 chứng tỏ rằng công nhân cũng
có hành động như một lực lượng xã hội độc lập, nhưng giai cấp vô sản Đức
còn quá non yếu, chưa thể lãnh đạo được cuộc đấu tranh chống bọn quý tộc
Đức và các triều đình phong kiến. Đó là nguyên nhân vì sao cuộc cách mạng
1848 mà tác giả đã nhắc tới trong chương III phần Bốn thất bại. Marx và
Engels, hai vị lãnh tụ sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản đều sinh trưởng ở Đức,
chính nước Đức là tổ quốc của chủ nghĩa Marx và là địa bàn hoạt động của
Marx và Engels, nhưng các ông sống ở Rhine, một vùng công nghiệp tiên
tiến tập trung đông đảo công nhân. Còn như ở miền Bắc nước Đức, ở bang
Holsten, quê hương Thomas Mann, có thể nói phong trào công nhân còn yếu
hơn nhiều. Cũng vì vậy, trong Gia đình Buddenbrook, tác giả chỉ dành cho
nó một số trang rất hạn chế, và những công nhân ông miêu tả cũng không
được đặc sắc lắm.
○○○
Bối cảnh lịch sử và xã hội của cuốn tiểu thuyết Gia đình Buddenbrook là
như vậy. Thomas Mann đã muốn thông qua sự sụp đổ của gia đình
Buddenbrook về các mặt kinh tế, đạo đức và địa vị xã hội để nói lên sự hủy
diệt tất yếu của giai cấp tư sản ăn bám, tàn nhẫn và mục nát. Các nhà nghiên
cứu cho biết rằng ông đã miêu tả chính gia đình ông trong cuốn truyện này.