bé ngồi trên cái ghế kia. Chú lẳng lặng vào đây là để nghe nhạc! Lẽ nào bà
nỡ để tâm hồn chú bị đầu độc sao?
Ông Pfühl tỏ ra giận dữ như thế, nhưng bà Gerda vẫn thuyết phục ông để
ông quen dần với thứ nhạc này, và cố tranh thủ ông cho được.
— Ông Pfühl - Bà nói - ông không nên nóng nảy, phải công bằng hơn tí
nữa. Việc vận dụng đối hòa thanh một cách độc đoán của ông ta làm cho ông
mê mẩn rồi... Ông cảm thấy so với thứ nhạc này của ông ta, thì Beethoven
thuần khiết, trong trẻo mà tự nhiên hơn chứ gì... Nhưng ông thử nghĩ xem,
Beethoven cũng đã từng làm cho một số người cùng thời với ông ta được
giáo dục theo hình thức truyền thống phải kinh hoàng... Còn Bach thì trời ơi,
chẳng phải người ta cũng trách nhạc ông ấy âm điệu thiếu hài hòa hay sao?...
Vừa rồi ông nói tới đạo đức, nhưng đạo đức nghệ thuật ông nói đó rốt cuộc
là cái gì nào? Nếu tôi không nhầm, phải chăng tất cả những thứ trái với chủ
nghĩa khoái lạc, theo ý ông là đạo đức nghệ thuật? Giá như tôi nói đúng, thì
trong bản nhạc này cũng có thứ đó và không thua gì nhạc của Bach cả. Hơn
nữa, nó lại tráng lệ, rõ ràng, thâm trầm hơn. Ông cứ tin lời tôi, ông Pfühl ạ,
với bản tính của ông, thứ nhạc này không xa lạ như ông tưởng tượng đâu!
— Quả thật là dối trá, ngụy biện! Mong bà bỏ qua cho câu nói đó của tôi -
ông Pfühl ầm à ầm ừ.
Nhưng bà Gerda nói rất đúng: xét về bản chất thì thứ nhạc đó đối với ông
không xa lạ như lúc đầu ông nghĩ. Mặc dù trước sau ông vẫn không hòa giải
với Tristan, nhưng ông lại theo lời cầu khẩn của bà Gerda, cải biên cái chết
của Isolde thành bản hợp tấu cho violon và piano, hơn nữa là đã tỏ ra rất có
tài. Thoạt tiên, ông khen ngợi một số đoạn trong bài Người danh ca, rồi bất
giác càng ngày ông cảm thấy thứ nhạc đó có cái thú vị của nó. Ông không
nói cho bà biết điều ấy, trái lại bản thân ông cũng lấy làm ngạc nhiên lắm, hễ
nói đến bao giờ ông cũng chối bai bải. Nhưng rồi từ đó về sau, khi đã được
một số bậc thầy có tuổi đối xử công bằng, thì bà Gerda không cần thôi thúc
nữa mà bản thân ông đã dùng một lối chơi phức tạp chơi chủ đề này say sưa,
mặt để lộ một chút xấu hổ, một chút vui sướng trong cơn buồn phiền. Chơi
xong, có lúc ông còn tranh luận về mối quan hệ giữa phong cách của thứ
nhạc này và những bản nhạc trang nghiêm. Một hôm, ông Pfühl tuyên bố