Duchamps, con một gia đình giàu sang, có địa vị ở Hamburg. Hai vợ chồng
sống trong tình thương yêu kính trọng lẫn nhau...
Tiện tay, ông tham lại giở tiếp. Cuối cùng, ông đọc phần ghi về con cái
mình: Tom lên sởi. Antonie mắc bệnh hoàng đởm, Christian lên đậu rồi
khỏi. Ông lại đọc sang chỗ ghi những chuyến đi du lịch nước ngoài: đến
Paris, đến Thụy Sĩ, đến Marienbad, nơi này, ông cùng đi với vợ. Ông lại giở
ngược lên những trang ở phía trên cùng, dày cộp tựa da dê, thủng lỗ chỗ. Ở
đây có nét chữ mực đã phai của ông nội. Mở đầu là những trang ghi lại gia
phả lâu đời của một chi thuộc dòng họ này. Được biết là cuối thế kỷ mười
sáu, cụ tổ đầu tiên họ Buddenbrook đến ở Parchim. Con trai cụ tổ làm quan
tham ở thành phố Grabau. Ngoài ra, một người nữa, cũng thuộc dòng họ
Buddenbrook, làm nghề thợ may, nhà rất giàu (chữ này có gạch dưới), lấy
vợ ở Rostock, sinh nhiều con, trong số đó có mấy người chết yểu. Lại một
người nữa buôn bán ở Rostock, ông này cũng đặt tên là Johann. Cuối cùng,
trải qua mấy đời, ông nội ông tham mới dọn đến đây, mở hiệu buôn ngũ cốc.
Sự tích về ông nội thì đã được ghi rõ ràng: lúc nào phát ban, lúc nào bị bệnh
đậu mùa, lúc nào ngã từ gác ba xuống lò sấy, mặc dù rất có thể đâm vào xà
ngang chết tươi, nhưng rồi cũng thoát khỏi cảnh thập tử nhất sinh đó, và lúc
nào thì lên cơn sốt, đầu óc bừng bừng như sắp điên loạn. Những việc đó đều
được ghi tỉ mỉ, không sót một chi tiết nào. Ông nội lại còn ghi lại nhiều điều
khuyên răn dạy bảo con cháu đời sau, trong đó có một câu viết rất to, bằng
mực đen, đóng khung, đập ngay vào mắt: “Các con ơi! Ban ngày các con
hãy chăm chỉ làm ăn nhưng chớ làm điều gì hổ thẹn với lương tâm để ban
đêm được ngủ ngon lành!”. Ngoài ra, ông nội còn dặn là ông có một quyển
Kinh thánh rất cổ, xuất bản ở Wittenberg, nhất thiết phải truyền lại cho con
trưởng, và về sau, đời này qua đời khác, cũng con trưởng được thừa kế...
Ông tham Buddenbrook kéo cái cặp da lại gần, rút tập giấy khác ra, chọn
xem, trong đó có lá thư của bà mẹ gửi cho con trai đang đi du lịch ở nơi xa
xôi. Vì lâu năm, lá thư đã nhàu nát và ngả màu vàng. Trong thư còn có dòng
chữ của người nhận viết: “Nhận được lời dạy bảo, xin vâng lời”. Ngoài ra,
còn có giấy chứng nhận thị dân, do thành phố Hansestadt cấp, trên vẽ những
đường hoa văn, đóng dấu đỏ; giấy bảo đảm con dấu, thơ chúc mừng, và thư