CHƯƠNG
II
Ông Thomas Buddenbrook nhìn vào những năm cuối đời mình bằng con
mắt u uất, buồn thảm, nhưng nhìn vào tiền đồ Johann, thì ông không thể
nhìn bằng đôi mắt ấy được. Ý thức về dòng họ, lòng ngưỡng mộ đối với quá
khứ, hay sự quan tâm đối với tương lai của dòng họ và những điều mà ông
đã thừa hưởng của tổ tiên, nhất là sự giáo dục mà ông đã nhận được, đều
không cho phép ông làm như thế. Bạn bè thân thích của ông, em gái ông (kể
cả mấy cô gái già phố Breiten), nửa lo lắng, nửa tò mò chờ đợi ở Johann
cũng ảnh hưởng đến tư tưởng ông. Ông vui mừng tự an ủi rằng mặc dù mỗi
ngày mình một suy yếu kiệt quệ, tương lai mình mờ mịt, nhưng về người
thừa kế bé nhỏ này thì ông lại ôm ấp bao nhiêu là hy vọng. Ông ao ước
Johann sẽ là một người tháo vát, chăm chỉ làm ăn, sẽ thành đạt và được
nhiều quyền lợi, trở nên giàu có, làm rạng rỡ môn mi. Phải có như thế mới
sưởi ấm được cuộc đời lạnh lẽo trống trải của ông, mới làm cho ông lo lắng,
sợ hãi, buồn rầu, hy vọng thật sự.
Có lẽ về già, ở một góc yên tĩnh nào đó, ông sẽ nhìn lại thuở xa xưa, và
lúc ấy thời đại cụ tổ Hanno sẽ tái hiện chăng? Chút hy vọng ấy hoàn toàn
không thực hiện được ư? Ông vốn xem âm nhạc là kẻ thù của ông, nhưng
thực tế có phải nghiêm trọng đến mức ấy không? Dù có thừa nhận rằng
thằng bé không nhìn bản nhạc, chỉ theo cảm hứng mà vẫn diễn tấu được,
điều ấy chứng tỏ thiên bẩm của nó khác thường đi chăng nữa, nhưng khi
chính thức được ông Pfühl dạy dỗ thì nó lại chẳng tiến bộ gì lắm. Không còn
nghi ngờ gì nữa, nó thích nhạc là chịu ảnh hưởng của mẹ, ảnh hưởng ấy sâu
sắc từ khi nó còn nhỏ. Cái điều ấy chẳng có gì lạ. Từ nay về sau là lúc có cơ
hội ảnh hưởng đến đứa con của mình thì ông là bố, ông phải kéo nó về phía