Giờ thì đau không chịu nổi, tôi định đi đến đằng ông Brecht một tí...
— Ông đau răng nào ạ?
— Cái răng bên trái hàm dưới... răng hàm... sâu hết rồi! Đau không chịu
nổi, thôi chào ông, ông Kistenmaker! Ông biết cho, thời gian của tôi rất ít
ỏi...
— Tất nhiên, tôi biết! Ông tưởng tôi không biết ư? Công việc cứ chồng
chất lên, làm không xuể. Xin chào ông! Mong ông chóng khỏi. Nhổ quách đi
ông ạ. Giải quyết ngay tức thì là biện pháp hay nhất...
Ông Thomas Buddenbrook tiếp tục bước tới, hai hàm răng nghiến chặt,
nhưng như vậy càng làm ông đau thêm. Chỉ một cái răng ấy thôi mà làm cho
nửa người bên trái ông nhức nhối không chịu nổi, như lửa đốt, như kim
châm. Chỗ viêm như có cái búa nhỏ đốt nóng đập mạnh, làm cho cả mặt ông
nóng bừng, nước mắt cứ trào ra. Một đêm mất ngủ ảnh hưởng đến thần kinh.
Vừa rồi ông phải cố gắng lắm mới đứng nói chuyện được với ông
Kistenmaker mấy câu.
Đến phố Nhà máy xay, ông vào một ngôi nhà quét vôi vàng sẫm, lên gác
hai, ở cửa sổ có tấm biển đồng khắc mấy chữ “Bác sĩ nha khoa Brecht”. Ông
không thấy người hầu gái ra mở cửa. Hành lang ngào ngạt mùi thịt bò xào
xúp-lơ. Ông bước vào phòng khám, mùi thuốc nồng nặc phả vào mũi.
— Mời ông ngồi, xin ông chờ cho một lát!
Một giọng nói như giọng nói bà già, đó là tiếng con vẹt. Con chim nhốt
trong chiếc lồng sáng loáng, treo ở bức tường sau, nhìn ông bằng đôi mắt
độc ác.
Ông nghị ngồi xuống cạnh cái bàn tròn, giở tờ Flic ra định đọc mấy mẩu
chuyện cười, nhưng rồi lập tức ông gấp lại, chống cây ba-toong bịt bạc lạnh
ngắt lên má, nhắm đôi mắt sưng mọng, khe khẽ rên lên mấy tiếng. Trong
phòng im phăng phắc, chỉ có tiếng con vẹt mổ vào lồng. Dù không bận, ông
Brecht cũng thích để khách đợi một lúc.
Lát sau, ông Thomas Buddenbrook lại đứng dậy rót nước ở cái bình để
trên bàn ra uống. Mùi clo trong nước nồng nặc. Rồi ông mở cửa thông sang
hành lang, gọi một tiếng, mong ông Brecht không có việc gì bận lắm không
rời ra được, thì hãy nhanh lên một chút. Răng ông đau lắm rồi!