Ngoài trời, mưa dịu dần lại. Tiếng còi sừng trâu giục chó săn trên đồi
đã tắt khá lâu, giờ lại nổi lên "hút hooo, hút hooo". Chúng nó bắt phường
săn gánh lưới gọi chó theo "ráp cộng". Má áng chừng lúc này mới ba giờ
chiều. Bọn thằng Phổ còn đẩy lính, lính còn đẩy đồng bào đi mãi đến tối.
Tám trăm người dàn hàng ngang, vừa đi vừa chọc cây thuốn sắt thình thịch.
Chỉ cần một tiếng "cộc"... Nhưng má sốt ruột không lâu. Ông trời rùng
mình một cái, trút nước xuống ào ào. Gió túm từng bó hạt mưa quất xuống
trắng xóa, và những cột mưa lại quằn quại nối nhau chạy ra gò Chà Là.
Mãi sau khi chuyến xe lửa lúc sáu giờ qua ga Đồng Mè rít một hồi còi
the thé và chị Đa đã trở lại ẵm con về nhà mình, Út Sâm mới lóp ngóp từ
trong mưa ngoi ra. Má ngạc nhiên khi thấy Sâm quấn tấm choàng nhựa kín
người đến gối nhưng lại phơi đầu dưới mưa, cái mũ bê rê bánh ếch của
"thanh niên cộng hòa" dán trên tóc. Má rùng mình, vội rút củi chụm thêm
vào bếp.
- Sao không trùm đầu hả con?
Sâm há mồm định nói, nhưng hai hàm răng va luôn vào nhau một hồi
lốp cốp. Khi Sâm vất cây súng gỗ tập trận và giật tung tấm choàng ra, má
Bảy mới hiểu. Ban tố cộng bắt thanh niên cộng hòa mặc "đồng phục biểu
diễn" để chụp ảnh. Sâm phải mặc bộ áo quần ni lông trắng, góp hai trăm
tám cho xã mua dạo mùa hè. Áo không tay hở nách, hở ngực đến chấn thủy,
lại ngắn cũn cỡn để lộ một khoanh bụng trắng như cái thắt lưng to của lính.
Quần chật bó đùi bó mông. Vải mỏng dính, đếm được từng cái nốt ruồi trên
người. Suốt ngày dầm mưa, áo quần bết vào da, các cô gái đã lạnh thấu
xương lại phải phơi thân thể gần như lõa lồ để cho bọn lính du côn nhìn hau
háu như cú dòm nhà bệnh, ghẹo tục tĩu.
Sâm hất đầu mạnh. Cái mũ bê rê rơi xuống đất. Hai tay ôm ngực, Sâm
đi thẳng lên nhà trên. Đôi giày vải nhả bùn òng ọc trên mỗi dấu chân. Má
Bảy cúi lượm tấm choàng và cái mũ, chép miệng: