chim.
Những bước nhảy vọt của phong trào đối với anh Chín không phải
mới. Anh đã dẫn tự vệ đi lấy tỉnh trong Cách mạng tháng Tám. Phối hợp
với Điện Biên, anh đưa bộ đội đánh thốc vào vùng tạm chiếm, một ngày
chẻ tre ba bốn xã. Chính anh chứ ai, trước đồng khởi anh đã nhiều lần nhắc
cán bộ các huyện và xã: "Một ngày bằng hai mươi năm các đồng chí ạ,
bằng hai mươi năm...". Anh nói và làm như vậy, để rồi hôm nay trở lại Kỳ
Bường, anh nhìn quang cảnh mới với đôi mắt của đứa trẻ lần đầu về quê
ngoại, thấy gì cũng vừa quen vừa lạ. Thực tế Cách mạng ngàn lần giàu hơn
những kế hoạch mà anh tự tay thảo và đưa ra bàn trong ủy ban tỉnh. Anh vẽ
nên bộ xương, này đây là cuộc sống đỏ da thắm thịt đang lớn nhanh như
thổi.
Anh Chín già rồi. Anh đang ghi những trang cuối cùng của một bản lý
lịch dài hơn nửa thế kỷ, từ những dòng vụng dại của buổi đầu biết đấu
tranh, đến những lời cô đúc của phần tổng kết. Những cảm xúc và suy nghĩ
của anh, rút ra từ chiều sâu tầng tầng lớp lớp của đời chiến đấu, được chắp
thêm đôi cánh bay cao của triết học Mác - Lênin mà anh học rất nhiều, đôi
lúc có vẻ khó hiểu đối với các đồng chí trẻ. Anh biết vậy, vì trước kia anh
cũng không mỗi lúc đã hiểu được hết những điều căn dặn của người đi
trước.
Vì thế, đi dọc bờ sông Nhỡn lúc này, anh không nói gì với Dõng và
Bê. Anh đang tìm chất thơ trong những câu khẩu hiệu chi chít trên vách
đất, nong nia, cửa gỗ, mảnh ván, do đồng bào tự tay viết ra.
Những lời phải thì thầm rỉ tai nhau hôm nào, nay đã bùng lên rạng rỡ
giữa ban ngày, reo vui khắp nơi. Mỗi người dân nói với anh một câu thơ
bằng giọng của mình. Đây giọng trầm khỏe của bác nông dân hiện trên nét
chữ to đậm, vuông như tảng đất xắn. Kiểu chữ lả lướt viết bằng sơn xanh lá
trên tấm gỗ quét vôi rất trắng kia ắt là tiếng nói của một cô gái duyên dáng.
Anh Chín mỉm cười khi nghe giọng ngượng nghịu của trẻ em: Vài dòng