- Tôi quý cô bao nhiêu, cô làm bộ làm tịch bấy nhiêu.
- Kỳ chưa, làm bộ cái gì?
- Biết mà. Tôi là con địa chủ, con Việt gian. Cô thành phần nông dân.
Cảm tình với tôi là mất lập trường. Người ta dạy cô vậy đó. Lát nữa chắc cô
ra lệnh cho du kích bắt tôi đưa đi cải tạo, phải không?
Sâm đã nổi khùng, không lấp lửng được nữa:
- Nói cho anh biết: Đây là đất của Cách mạng, tôi là dân của Cách
mạng. Anh ăn ở phải chăng thì lui tới bao nhiêu cũng được. Còn cứ giở cái
lối xỏ xiên đâm thọc đó ra, đứa con nít cũng trói anh chớ chẳng cần người
lớn.
- À, để coi ai trói ai!
Mặt Rân xám ngắt. Bàn tay hắn run trên ghi đông. Hắn nhảy lên xe,
cười gằn, ném lại một câu cuối cùng:
- Cạn tàu ráo máng. Về sau đừng hối nghe!
Hắn phóng thẳng về phía chợ. Sâm giẫm chân, định kêu bà con vây
bắt thằng phản động. Nhưng kịp nghĩ lại, Sâm đi gấp đến trạm gác của du
kích. Mỗi chủ nhật hàng năm bảy chục học sinh về thăm nhà tại Kỳ Bường
hoặc đi ngang qua Kỳ Bường, gặp anh em ta đều mừng, đều săn đón hỏi
chuyện Cách mạng, có ai hỗn xược như thằng này đâu. Chưa có chứng cớ
để bắt hắn, nhưng phải theo dõi hắn thật sát. Hắn vừa lộ mặt một phần
trong cơn tức.
Rân về nhà lấy gói áo quần, đạp xe thẳng xuống thị xã. Khi Tư Sỏi
đến nhà lão Hạnh thì hắn đã đi cách mười lăm phút.
- Sâm giận tôi à?