- ... Các đồng chí cứ than thở hoài. Hồi khó nhứt thì ảnh về đây đắp
đập be bờ, tới nay đỡ đỡ một chút lại phải đi xa. Anh có tâm sự với chị.
Chuyện em. Anh nói vầy nè: "Chẳng biết Sâm nghĩ sao, chớ phần tôi thì
còn một hơi thở tôi còn thương Sâm, nhớ Sâm".
Sâm tức quá. Nước mắt vòng quanh mi bỗng trào xuống má nóng hổi.
"Chẳng biết Sâm nghĩ sao". Nói vậy mà nghe được! Không nghĩ mà mấy
lần em đi tìm anh, mà em để anh cầm tay! Ừ, em chưa ngỏ với anh một lời
nào gắn bó. Nhưng anh phải tự hiểu chớ. Hay anh còn đợi những lời
thương yêu có ghi biên bản?... Không, lỗi tại em cả. Anh nghi là phải.
Đừng giận em nghe anh. Em dại, em mắc cỡ, em chỉ trêu anh mà không
dám nói yêu anh, để bây giờ anh đi mà còn băn khoăn. Tội nghiệp chưa!
Chị Năm an ủi Sâm. Sâm lặng thinh nghe chị. Cuộc đời chị là lời an ủi
thấm thía nhất. Chị lấy chồng đã hơn mười năm, chỉ được ở với chồng
trong hai lần anh ghé thăm nhà, chín ngày tất cả. Chưa ai thấy chị buồn bao
giờ... Sâm len lén đưa khăn thấm nước mắt.
Anh Bính, anh Bê rút vào bóng tối. Sắp hiện ra anh Nhung thợ nguội
trong một thành phố nào đó ngập lính giặc. Anh về với bà con công nhân,
những người nhào nặn sắt thép trong đôi bàn tay cứng hơn sắt thép, bấy
nhiêu năm nay đánh giặc trong ruột chúng. Anh sẽ làm lại từ đầu những
việc anh làm tại Kỳ Bường. Công việc của người thợ xây nhà. Anh khuân
từng hòn đá đắp nền. Anh xây tường lợp mái, nâng niu quét vôi tươi, sơn
màu thắm. Đến một tối nào đó, anh sẽ nhìn qua cửa sổ những khuôn mặt
vui xúm quanh mâm cơm mừng nhà mới, và lặng lẽ ra đi một lần nữa như
đêm nay anh ra đi giữa đám hội tưng bừng của Kỳ Bường giải phóng.
Chị Năm vẫn kể:
- Ảnh nói: "Nhắm chừng còn lâu tôi mới gặp lại Sâm. Hễ Sâm tưởng
tới tôi, chờ tôi, thì coi như lần này tôi đi tiền trạm"...