- Hồi trưa còn hai khúc cá, mất đâu một khúc rồi má?
- Dầu cù là đâu thơm quá má?
Anh Chín thấy không ổn, khuyên má nên cho Sâm biết và dặn Sâm
giữ miệng. Má chần chừ mãi vì thấy tính Sâm bộp chộp. Một hôm má đi
cấy xa, giao Sỏi giữ trâu, Sâm coi nhà nấu ăn. Bọn dân vệ thình lình ập vào
khám nhà bên cạnh. Sâm đến cửa buồng khóa ngoài, đập cửa kêu nhỏ:
- Ông bà gì đó ơi, trốn cho khéo, dân vệ vô soát nhà kia nè.
Mươi phút sau, anh nghe Sâm nói lanh lảnh dưới bếp:
- Các chú tìm Việt cộng hả? Việt cộng ra sao chú? ... Giống như người
mình à, vậy bà con đây giống Việt cộng hết, tìm chi cho mệt... Nhà trống
hoang đó, các chú cứ tìm... Ngó coi, ở chơi uống nước đã các chú, gì gấp
quá vậy?
Má Bảy không biết ai bày cho con mình đối đáp những câu lắt léo như
thế. Những người mẹ dạy con từ nhỏ thường chậm nhận thấy con mình
nghĩ bằng bộ óc của nó. Sâm được giao hẳn nhiệm vụ gác và nuôi cán bộ.
Chẳng những Sâm không bép xép mà còn rất tài bông lơn, biến thật thành
đùa, đánh lạc hướng địch. Sâm không nhớ mặt bác Hai Công - tên anh Chín
lúc ấy - vì bao giờ cũng gặp bác trong buồng tối om hay ban đêm.
Sâm đến trước anh Chín, bẽn lẽn xoay cái nón trên tay, liếc trộm anh
rồi cúi xuống. Anh Chín muốn ác một tí:
- Cháu nhận ra bác chưa?
Sâm vụt nhớ ra. Sâm nhìn mái tóc trắng xóa, nhìn bàn chân có một cục
thịt đen gần mắt cá, rú lên:
- Bác Hai Công! Trời ơi, bác chết rồi kia mà! Thiệt bác không?