đều khen. Ngọ quen nghĩ chậm mà chắc, giảng giải từng tí một, làm gì
cũng tỉ mỉ lớp lang. Sâm và Ngọ thân nhau nhất trong làng, đi đâu cũng cặp
kè đủ đôi, bởi mỗi cô nhận thấy ở bạn những cái hay mà mình muốn có
nhưng chưa có, lại còn tìm được trong gia đình bạn ông cha hay bà mẹ
mình thiếu. Do một sự tình cờ thú vị, ông Nhâm rất ưa cái tính ngang tàng
sôi nổi của Sâm, và má Bảy thấy Ngọ giống mình hết sức.
Các cụ nói xưa nay dân Đồng Dừa luôn luôn đẻ con gái nhiều gấp đôi
con trai. Chẳng biết đúng hay không, bây giờ nữ thanh niên ở Đồng Dừa
vẫn đông hơn ở các thôn khác. "Con gái Đồng Dừa, chợ dưa Đồng Cát".
Dưa hấu Đồng Cát vốn nổi tiếng to và ngon. Các cô gái Đồng Dừa cũng nổi
tiếng đẹp người tốt nết.
Anh Chín xem đồng hồ, chép miệng:
- Chà, bác phải đi gấp đây Sâm ơi. Nói với má cho bác gửi lời thăm
má, thăm Tư Sỏi. Hễ quên nói, bác về đánh đòn.
- Dạ nhớ! Không, cháu quên, bác tức bác mới về nhà cháu.
Anh Chín mang bao, quàng dù ngụy trang, xổ sợi dây đeo súng ngắn
ra móc quanh cổ. Anh lên đạn, khóa súng. Bây giờ Sâm mới nhớ chung
quanh dãy gò Chà Là này đâu cũng có lính địch, vậy mà bác Hai Công đến
rồi đi như không. Nhớ lời má dặn trước, Sâm không hỏi bác đi đâu, chỉ
giương mắt thẫn thờ nhìn theo bác lách qua những bụi sim lá mốc trắng,
biến mất. Sâm đưa tay xoa trán, chỗ bác vừa cốc nhẹ một cái để chữa bệnh
hay quên.
Anh cán bộ miền Nam có bao giờ quên chị em cơ sở đã đến với mình
trong những năm khó khăn nhất không nhỉ?
Khi quân thù dán ảnh, treo giải và giăng lưới kín trời đất để bắt anh,
khi những người cầm súng cầm gậy đi lùng anh, khi chân tay anh rã rời vì
đói và sốt rét, khi anh bị mắc nghẽn trong hầm bí mật hay góc rừng sâu và