giác khoan khoái và tĩnh tâm đã bao bọc chị trong thành phố Vĩnh cửu.
Nhưng Naxtia cũng như tất cả những con người hạnh phúc, quá tự tin cho
rằng, giờ đây mãi mãi sẽ chỉ là thế.
Và chị đã lầm.
Thứ bảy, khi bước ra từ nhà thờ Sicstin, mẹ chị đề nghị đi tới hội chợ
sách.
— Mẹ cần xem mấy quyển sách cần cho mẹ và bạn bè. Chúng ta cùng
đi nhé, chắc con sẽ thích.
Họ tách nhau ở hội chợ. Mẹ và Kiun đi tìm những ấn bản cần cho họ,
còn Naxtia đã ở lại cạnh những giá sách mà phía trên được viết bằng chữ
to: “Sách châu Âu bán chạy”. Chị nhìn những bìa sách rực rỡ, đọc tóm
lược, thầm ghi nhận: “Chắc mình sẽ đọc cuốn này, nếu có thì giờ, cả cuốn
này cũng thế, và cuốn này... Còn loại văn chương này - không phải khẩu vị
của mình”. Đi sang giá sách tiếp theo, chị cảm thấy đất sụt dưới chân: Ngay
trước chị có quyển sách “Bản xônát cái chết”, tác giả Jean-Paul Brizac.
Trên mặt bìa - năm sọc đỏ màu máu, phỏng theo dãy nốt nhạc, và chiếc cần
violon màu xanh sáng.
Trấn tĩnh khỏi cú sốc, Naxtia cầm cuốn sách và ghim mắt vào tóm
lược. “JeanPaul Brizac. - chị đọc. - một trong số những nhân vật bí ẩn nhất
của văn học châu Âu hiện đại. Chưa một nhà báo nào lấy được phỏng vấn ở
tác giả của hơn hai chục cuốn sách bán chạy. Mưu mô thâm hiểm, cuộc
chiến của thiện và ác, những mặt tối của bản chất con người - có tất cả thứ
đó trong các cuốn sách của con người ẩn dật bí ẩn, không cho phép chụp
ảnh và tiếp xúc với thế giới bên ngoài chỉ thông qua đại diện của mình”.
Chị chăm chú nhìn giá sách và tìm thêm được mấy cuốn sách nữa của
Brizac bằng tiếng Đức. Pháp và Italia. Trông thấy mẹ từ xa, Naxtia xuyên
qua đám đông đến chỗ bà.