Sau mười ngày bố mẹ đón Gradov đi khỏi trại. Ấn tượng đọng lại
mạnh đến nỗi nghe đến chữ “trại” là cậu bé run lên. Đến thời kì vào quân
đội hắn đã vững vàng hơn cả về mặt thể lực lẫn tinh thần. Hắn đã không
còn bị nôn khi thấy nhà xí công cộng và ngửi mùi của nó, hắn đã có thể ép
bản thân nuốt thức ăn tập thể và tránh thoát những lời chế nhạo và phỉ
báng. Nhưng dẫu sao thì hắn vẫn cảm thấy và dằn vặt từng phút một trong
suốt hai năm bất tận của quân ngũ. Thêm nữa, hắn không gặp may: trong
đơn vị nơi hắn phục vụ, sự sa đoạ khá phát triển nên buộc phải chịu đựng vì
nó cũng không ít.
Trải qua địa ngục quân ngũ, Gradov tự nhủ một cách cứng rắn: “Bất
cứ là gì, chỉ trừ nhà tù!” Y đã mang theo nỗi ghê sợ trước “trại” qua cả
quãng đời người lớn, và với năm tháng, nỗi kinh sợ này không những
không yếu đi, trở nên quen thuộc mà, ngược lại, càng củng cố chắc thêm.
Tự do báo chí đã đem theo vô số những ấn phẩm cả văn học lẫn lư liệu về
điều gì “ở kia, trong trại giam”. Gradov với sự hiếu kì bệnh hoạn trộn lẫn
với sự khủng khiếp và tởm lợm đọc sự thật ghê sợ về chế độ trong các cơ
sở lao động cải tạo và rùng mình vì rằng mọi thứ hoá ra còn tệ hại hơn so
với những gì y có thể mơ thấy trong những cơn ác mộng kinh hoàng nhất.
Còn sau đó chú Colia đầy kinh nghiệm ngồi tù đã khẳng định: tất cả là như
thế, chỉ có điều trong thực tế còn quái đản hơn, bởi vì không tiện viết ra
lắm về một số thứ. Ví dụ trong một phòng cách li điều tra có đến 30 - 40
người, ngủ thành ba ca và sử dụng hố xí ngay trước mắt nhau.
Gradov sợ nhà tù đến nỗi không còn sợ gì khác nữa trong cuộc đời
này. Khi hình ảnh nhà tù lấp ló lần đầu tiên, y không chút chần chừ, quyết
định giết Lusnicov. Bằng chính tay mình y nhét Eremina bất hạnh vào tù.
Tất cả thứ ấy đối với y là những điều vớ vẩn nhỏ mọn không đáng gì so với
nỗi sợ hãi đang thiêu đốt y. Đến lượt nhà tù lấp ló lần thứ hai, khi thằng
ngốc Nikiforov kia bắt đầu sấn đến với những ý tưởng mê sảng thú nhận tất
cả và ăn năn. Lại đành phải dọn gã khỏi đường đi để không quẩn lấy dưới
chân.