— Có ai đó xem trộm giấc mơ của em và đang kể về nó trên radio.
Thoáng giây đầu Cartasov bối rối. “Tận số rồi, - anh nghĩ, - cô bé đã
uống quá đà”. Làm gì trong những trường hợp tương tự, anh không biết.
Hoặc là giải thích với cô rằng không thể có chuyện ấy, rằng đó là biểu hiện
của tâm lí bệnh hoạn, hoặc là làm ra vẻ tin và đồng tình với cô ấy. Cartasov
chọn phương án thứ ba, theo anh nghĩ, kết hợp chữa bệnh và sự đồng tình
bề ngoài. Khi cái ý tưởng dai dẳng không rời cô gái và sau một tuần, anh đề
nghị:
— Nào, chúng ta hãy thử vẽ giấc mơ của em. Nếu tồn tại một sức
mạnh đang ăn trộm những giấc mơ của em, điều này nhất định sẽ làm nó
sợ.
Victoria, bất chấp những e ngại, đã không từ chối, và Cartasov đã làm
mấy phác hoạ, cho đến khi đạt tới cái gần nhất với giấc mơ của cô. Nhưng
điều đó cũng chẳng cứu được gì. Victoria càng chìm sâu hơn vào ý tưởng
của mình, nhưng phủ nhận trạng thái bệnh hoạn và từ chối thẳng thừng việc
đến gặp bác sĩ tâm thần.
Lúc ấy Cartasov quyết định tự mình gặp bác sĩ. Bác sĩ thừa nhận rằng
các dấu hiệu bề ngoài giống sự bắt đầu của bệnh tâm thần cấp tính, rằng ý
tưởng sự tác động đến con người bằng radio và xuyên sâu vào ý nghĩ là đặc
trưng đối với triệu chứng Clerambo, nhưng không thể kết luận được điều gì
một cách tin chắc. Không thể có các chẩn đoán gián tiếp. Nếu cô gái từ
chối đến gặp bác sĩ, thì lối thoát chỉ có một: ông, bác sĩ, có thể đến nhà
Cartasov dưới dạng một người bạn, khi ở đấy có Victoria, ngồi với họ vài
giờ, uống trà và chính mắt mình nhìn người bệnh, nhìn cách xử sự của cô
ta. Họ đã thoả thuận ngay khi Cartasov đi công tác về, nhất định sẽ tổ chức
một buổi thăm hỏi như thế. Đấy, đó là tất cả. Từ Orel, nơi Cartasov làm các
phác hoạ cho cuốn sách do nhà xuất bản địa phương ấn hành, anh trở về
hôm 27 tháng 10, biết rằng Victoria đã biến đi đâu đó và đã ba ngày chưa
xuất hiện ở chỗ làm việc.