hai khu vực không thể hỗ trợ cho nhau, kết quả là cả hai khu vực đều nghèo
đi.
Tình trạng phân mảnh ruộng đất nghiêm trọng qua nhiều thế hệnông dân
“bám ruộng, bám vườn” với tỷ suất sinh đẻ không kiểm soát cũng là một
trở ngại lớn cho sự sung túc tại nông thôn. Trong điều kiện ruộng đất phân
mảnh theo một tiến trình hầu như chưa có điểm dừng, mong muốn áp dụng
cơ giới hóa và gia tăng năng suất lao động nông nghiệp sẽ là vô vọng. Sau
mỗi hai chục năm, tình trạng phân mảnh tăng gấp đôi, và số lao động bình
quân trên diện tích canh tác lại có chiều hướng tăng theo tỷ lệ thuận với sự
phân mảnh. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai được sử
dụng làm ranh giới, bờ bao. Con số này không dưới 4% diện tích canh tác.
Hiện tượng năng suất lao động nông nghiệp thấp cũng là một nhược
điểm cố hữu của các nước đang phát triển mà đa số lao động tập trung
trong khu vực sản xuất nông nghiệp. Số lao động bình quân trên diện tích
canh tác cao, trình độ cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp
thấp, thời gian nông nhàn còn rất dài là những lý do chính khiến năng suất
lao động nông nghiệp không được cải thiện, dù sản lượng nông nghiệp tăng
và bình quân sản lượng trên diện tích canh tác cũng tăng do nỗ lực thâm
canh, tăng vụ, một nỗ lực có thể dẫn đến sự vắt kiệt độ màu mỡ của đất
trong hiện tại và có thể làm cho tương lai nông nghiệp phải trả giá. Năng
suất lao động thấp dẫn đến thu nhập lao động thấp như một lẽ đương nhiên.
Thu nhập thấp, không có tích lũy, người nông dân lấy gì đầu tư cơ giới hóa
để tăng năng suất lao động và tăng thu nhập của chính mình nhằm thoát
khỏi vòng lẩn quẩn của sự nghèo khó?
Yêu cầu của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đòi hỏi lao động trong nông
nghiệp phải giảm nhanh để cung ứng nguồn nhân lực cho công nghiệp đang
trên đà phát triển nhanh chóng. Nhưng nguồn nhân lực đó cũng phải được
đào tạo, huấn luyện để làm được các công việc mới. Trên tiến trình chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, mạng lưới giáo dục và đào tạo nghề tại nông thôn có
vai trò quyết định. Tuy nhiên, nếu người nông dân còn nghèo, việc cho con
cái đi học đối với họ trở thành một khoản chi tiêu xa xỉ. Nông dân mong