giữa trung tâm và vùng biên không cao. Hậu quả là khoảng cách giàu
nghèo giữa thành thị và nông thôn gia tăng. Số liệu thống kê cho thấy tại
đồng bằng sông Cửu Long, từ 1995 đến 1999, tốc độ tăng của thu nhập
bình quân đầu người của người dân thành thị là 30%, trong khi tăng trưởng
thu nhập bình quân của nông dân vùng nông thôn trong thời kỳ đó là 21%.
So với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước trong thời gian đó là 31,04%, mức
tăng thu nhập của nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long chỉ bằng 2/3.
Không giống như các khu vực kinh tế khác mà sự làm giàu có thể thực
hiện bằng nỗ lực và tài năng cá nhân, ở khu vực nông nghiệp, sự làm giàu
chỉ có thể hiện thực với sự giúp đỡ tận tình của Nhà nước. Với nỗ lực tự
thân, và gặp lúc mưa thuận gió hòa, nông dân có thể giữ cho mình một
cuộc sống đủ ăn. Nhưng để người nông dân hôm nay có thể làm giàu trên
miếng đất của mình, và để cho con cháu họ mai sau có thể làm giàu bằng
cách bước chân ra khỏi miếng đất đó, bàn tay nâng đỡ của Nhà nước là yếu
tố quyết định.
Năm 2001