họ. Giả thiết nếu chúng ta thực hiện được tốc độ tăng trưởng bình quân gấp
rưỡi họ, nghĩa là 12%/năm và duy trì được tốc độ này trong nhiều thập
niên, thì phải cần đến 45 năm sau chúng ta mới bắt kịp họ, với điều kiện
mức tăng trưởng của dân số hai nước như nhau. Duy trì được tốc độ tăng
trưởng bình quân 12%/năm trong suốt nửa thế kỷ là một chuyện phi
thường, một phép lạ kinh tế đối với bất kỳ nước nào.
Nhưng không phải muốn tăng trưởng là có tăng trưởng. Phải có vốn và
biết cách sử dụng đồng vốn với hiệu quả cao nhất. Để có được đồng vốn,
chỉ có hai sự chọn lựa: tiết kiệm hoặc vay nợ. Nếu tiết kiệm ít thì phải vay
nợ nhiều. Vay nợ là một giải pháp dễ dàng mà phần lớn các nước nghèo đều
ưa chuộng. Vay nợ có nhiều hình thức: tiếp nhận đầu tư, vay các định chế
tài chính quốc tế, vay các chính phủ, vay các ngân hàng lớn. Viện trợ cũng
là một hình thức vay nợ nhưng không phải hoàn lại. Kinh nghiệm cho thấy
vay tiền càng dễ dàng, việc sử dụng đồng tiền càng không hiệu quả. Đồng
tiền viện trợ là một thí dụ điển hình. Ngay cả đối với cái gọi là viện trợ kinh
tế, kẻ cho chỉ quan tâm đến lợi ích của họ thay vì lợi ích của người nhận,
còn người nhận do ỷ lại vào việc không phải trả nợ nên dễ dàng tiêu phí
vào những khoản chi không hiệu quả, thậm chí viện trợ còn là mảnh đất
màu mỡ cho tham nhũng sinh sôi.
Nhưng đi vay nhiều hôm nay có nghĩa là buộc thế hệ tương lai phải tiết
kiệm nhiều để trả nợ. Con cháu chúng ta sẽ nghĩ sao về cha ông của chúng
nếu chúng ta buộc chúng phải tiết kiệm nhiều để trả nợ trong khi chính
chúng ta lại không tiết kiệm? Một dân tộc muốn phát triển, phải có ý chí
phát triển. Tiết kiệm là hành động thể hiện ý chí đó. Hơn nữa, một dân tộc
biết tiết kiệm, biết trân trọng từng đồng tiết kiệm sẽ biết trân trọng và sử
dụng hiệu quả đồng tiền đi vay vì ý thức được trách nhiệm phải trả nợ.
Muốn tiết kiệm phải tự giác hạn chế tiêu thụ ngày hôm nay để dành dụm
đồng tiền đầu tư cho ngày mai. Cần có cơ chế hiệu quả thu hút từng đồng
tiền tiết kiệm từ mọi ngõ ngách trong nền kinh tế để chuyển sang kênh đầu
tư. Sẽ không có kết quả nếu sự tự chế tiêu thụ chỉ là ý thức của một ít
người. Một nước chỉ có thể thành công khi sự chấp hành kỷ luật tiết kiệm là