bị đố kỵ. Hơn nữa, vì người ta có thể vận dụng nhiều cách để có được bằng
cấp mà không cần đến tài năng, mảnh bằng đã không còn là thước đo của
tài năng và xã hội đã mất đi phương hướng để lựa chọn và sử dụng người
tài. Khi không còn phân biệt được người giỏi hay không giỏi, sự chọn lựa
sẽ dựa trên các tiêu chuẩn hình thức khác. Khi xã hội đã xây dựng nên một
hệ thống ổn định với những tiêu chuẩn giá trị mang tính hình thức, cơ hội
thăng tiến trở thành một con đường quá hẹp để cho nhiều người có thể chen
chân, nhân tài trong xã hội đó sẽ mai một dần cả về mặt số lượng lẫn chất
lượng. Hơn nữa, trong thời bình, nhận thức về những vấn đề đặt ra cho xã
hội không bức xúc, không mang tính chất sinh tử, một mất một còn như
trong thời loạn, do đó nhu cầu tìm kiếm và trọng dụng nhân tài cũng không
thực sự bức xúc.
Đối với nước ta ngày nay, bắt kịp các nước trong điều kiện hội nhập kinh
tế với thế giới là một thách thức lớn của cả cộng đồng dân tộc. Nếu nhận
thức rằng mục tiêu đưa đất nước đến chỗ cường thịnh là một vấn đề sinh tử,
việc trọng dụng nhân tài phải là một nhu cầu bức xúc của cả nước. Khi có
chính sách trọng dụng nhân tài, số lượng nhân tài ở nước ta sẽ xuất hiện
ngày càng nhiều hơn. Hệ thống giáo dục của nước ta sẽ được điều chỉnh để
sản sinh ra nhiều nhân tài hơn, không những thế, chúng ta sẽ nhận được
nhiều nhân tài hơn được đào tạo tốt từ các hệ thống giáo dục của các nước
khác.
Cuộc chiến hiện nay của nước ta là cuộc chiến kinh tế. Các chiến sĩ sẽ là
những doanh nhân. Nhân tài mà chúng ta cần nhiều hiện nay là người kiệt
xuất trên thương trường, trong sản xuất. Hãy trọng dụng họ bằng cách để
họ phát huy tính cách năng động và tư duy sáng tạo của mình. Không có
những tố chất đó, họ vẫn có thể là doanh nhân, nhưng sẽ không phải là
những doanh nhân tài năng. Trong khi đó, điều mà cộng đồng dân tộc Việt
Nam thật sự cần hiện nay là những doanh nhân tài năng, những người có
thể mang lại chiến thắng cho đất nước trong cuộc chiến kinh tế, những
người sẽ cùng nhau đưa đất nước đến chỗ cường thịnh.