Danh sống bên Khánh Hội từ nhỏ tới lúc ba nó chết. Nó biết rõ ngõ nào có
trường. Nó hứa hôm nào rảnh sẽ dẫn Lựa sang Khánh Hội xem trường học
trong ngõ hẻm. Khốn nỗi, Danh phải làm cả hai buồi, mười giờ mới gửi
hòm đi ăn cơm, thành thử, lời hứa của nó khó thực hiện lắm.
Lựa lủi thủi một mình cuốc bộ qua cầu Mống sang Khánh Hội. Nó đi cùng
các ngõ. Và đã kiếm ra một ngôi trường lý tưởng của nó. Trường là căn nhà
lá luộm thuộm chẳng khác gì cuộc đời của những người lao động bến tàu.
Chân bàn và chân ghế chôn luôn xuống nền nhà đất. Cô giáo xấu xí, mặt rỗ
chằng chịt. Học trò toàn bọn lau nhau, mắt toét, mũi thò lò, bẩn thỉu kinh
khủng. Hai tiếng đồng hồ lại có một lớp. Từ bẩy giờ sáng đến bẩy giờ
chiều, học cả buổi trưa.
Cô giáo, thỉnh thoảng, ngừng dạy ra đầu ngõ uống ly rau má. Bọn nhãi học
trường này nhiều đứa bằng tuổi Lựa. Nhưng tụi nó đã biết làm toán đố. Lớp
vỡ lòng rặt bọn ranh con vừa đánh vần vừa gặm bắp luộc hay mút đá nhận.
Cái quang cảnh chả có gì nên thơ cả. Lựa không tìm thấy sân trường, cây to
bóng mát, giờ ra chơi, song nó thấy nó gần gũi ngôi trường này quá và
quyến luyến ngôi trường này không biết thế nào mà tả được.
Lựa đã quên ăn, quên trở về ngủ trưa với Danh. Nó đứng ỳ gần trường
hóng tai nghe cô giáo giảng bài. Lựa biết thêm truyện ông Thừa Cung. Tối
về nó kể cho Danh nghe thay vì bàn truyện Tam Quốc. Cô giáo mập, mặt
rỗ, trong đôi mắt của Lựa, đẹp cơ hồ một bà tiên. Cô giáo giảng đi giảng lại
chuyện ông Thừa Cung và khuyên bọn nhóc bằng tuổi nó rán theo gương
ông Thừa Cung.
Lựa nhớ tin vào dạ nó sự tích ông Thừa Cung. Nó ngây thơ ao ước mình
được như ông Thừa Cung. Lựa có ý nghĩ làm nghề chăn heo lợi hơn làm
nghề đánh giầy. Giá nó chăn heo, nó giả vờ đuổi heo qua đây rồi đứng nghe
học trò học, chắc cô giáo sẽ cho nó quét trường.