sự đầu hàng vô điều kiện của kẻ địch. Nhưng trong chiến tranh
Triều Tiên, nước Mỹ đứng trước sức ép chính trị to lớn đến từ các
đồng minh châu Âu đòi kiềm chế quy mô xung đột, và cũng
không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn
tại châu Á, vì vậy Mỹ đã nghiêm ngặt hạn chế quy mô các hành động
quân sự. Mỹ không dùng vũ khí hạt nhân, phạm vi ném bom cũng
không vượt qua sông Áp Lục biên giới Bắc Triều Tiên với Trung
Quốc. Mỹ cũng không cho quân đội Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan
tham dự chiến tranh. Những người ủng hộ chiến tranh hữu hạn
phản đối cách nói của Douglas MacArthur: “Trong chiến tranh
không gì có thể thay thế được chiến thắng”. Họ cho rằng trong
thời đại hạt nhân sắp tới, chiến tranh phải loại trừ việc sử dụng vũ
khí hạt nhân, mục đích chiến tranh phải được hạn chế nghiêm
ngặt, cho dù kết quả của kiểu đấu tranh này chỉ có thể là bế tắc.
Nhà tư tưởng chiến lược người Anh B. H. Liddell Hart nói: “Phải
ngăn ngừa hai tính toán ngông cuồng: nhất thiết tìm kiếm
thắng lợi và cho rằng không thể hạn chế chiến tranh”. Năm
1960, Liddell Hart từng nói: “Do sự phát triển của vũ khí hạt nhân
mà quan niệm cũ và định nghĩa cũ về chiến tranh đã thay đổi, nó
trở nên lỗi thời và không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu cứ lấy chiến
thắng làm mục đích thì thực ra chẳng khác gì điên cuồng”.
Đại gia chiến lược người Anh John Frederick Charles Fuller viết
trong cuốn “Chỉ đạo chiến tranh” xuất bản năm 1961 như sau:
“Trong những điểm mù của Clausewitz, điểm mù nhất là ông chưa
bao giờ nhận rõ mục đích chân chính của chiến tranh là hòa bình
chứ không phải là thắng lợi. Cho nên hòa bình mới là lý tưởng căn
bản của chính sách, mà chiến tranh chỉ là một thủ đoạn được sử
dụng khi thực hiện lý tưởng đó”.
Eisenhower từng nhiều lần nói tại các cuộc họp báo, trong thời
đại chiến tranh lạnh, nhất là thời đại vũ khí hạt nhân, “thắng lợi