phần nào giải thích lí do tại sao việc đậu tàu ở Colombo đã gióng lên các
hồi chuông cảnh giác ở New Delhi.
Khác hẳn với khẩu hiệu trống rỗng, như giới phê bình lập luận, Tiến sĩ
Mohan tin rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường báo hiệu sự khởi đầu
của một cuộc chuyển dời nền tảng trong địa chính trị châu Á. “Người
Trung Quốc đang tới: vấn đề chỉ còn là khi nào và như thế nào”, ông bảo
tôi như thế lúc ở văn phòng của ông tại trường Ðại học Quốc gia Singapore
(National University of Singapore), nơi ông ngụ hai tháng mỗi năm.
Khi Trung Quốc ra toàn cầu, họ sẽ có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Trung Quốc có quy mô và tham vọng vô song. Họ sẽ làm trọn nhiệm vụ
lịch sử của việc khai phóng khu vực Nội Á (Inner Asia). Ðiều này thật kịch
tính: họ sẽ lan tỏa tư bản sang khu vực trung tâm châu Á. Cái sánh được
duy nhất là Ðế quốc Ấn Ðộ thuộc Anh (British Raj). Và Trung Quốc đang
làm điều này theo một cách tinh vi hơn so với đế quốc Hoa Kỳ. Chuyện
này sẽ xảy đến, nên anh cần một chiến lược dựa trên những mối bang giao
ở Ấn Ðộ Dương.
Mohan tin rằng Ấn Ðộ nên cộng tác với Trung Quốc khi điều này có
lợi, chẳng hạn “Hành lang Kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Ðộ –
Myanmar” (BCIM). New Delhi đang lê bước chậm chạp, chủ yếu vì tuyến
quốc lộ được đề xuất sẽ chạy gần sát bang Arunachal Pradesh đang tranh
chấp ở biên giới. Họ sợ rằng PLA có thể hành quân theo con đường đó vào
Ấn Ðộ, đồng thời các vùng biên giới mở sẽ khiến họ khó kiểm soát những
cuộc nổi loạn mà họ đang giao tranh ở khu vực Ðông Bắc. Nhưng họ cũng
thấy được các lợi thế trong hoạch định BCIM. Các Bang Ðông Bắc nghèo
khó ở Ấn Ðộ, vốn rất cần các cơ hội kinh tế mới, đã từ lâu thúc bách tạo ra
các tuyến liên kết giao thương tốt hơn với Vân Nam. Và giao thương qua
biên giới còn có thể tỏ ra là một nguồn lực tạo ổn định ở Arunachal
Pradesh. “Chúng tôi nên cộng tác với Trung Quốc cho dự án BCIM”,
Mohan cho biết. “Nếu chúng tôi có thể dụ họ làm điều này cho chúng tôi,
thì cứ làm!”