đạt đến tầm mức mà những vương quốc lân cận tự nhiên rơi vào quỹ đạo
xoay quanh Trung Quốc.”
Các sử gia ở những vương quốc chư hầu cũ đã chỉ ra rằng Ðế quốc
Trung Hoa không ôn hòa như phát biểu của Lưu và của giới ủng hộ chủ
nghĩa tân đế quốc Trung Hoa. Nhưng quan điểm phủ hồng quá khứ này đã
cáo tri về lối ngoại giao “đôi bên cùng có lợi” của chính quyền Trung Quốc
ngày nay. Bản chất, mục tiêu của lối ngoại giao về kinh tế của Trung Quốc
là nhằm tạo nên một hệ thống triều cống hiện đại, với tất cả các con đường
đều dẫn tới Bắc Kinh theo đúng nghĩa đen của nó.
Những nước láng giềng của Trung Quốc cần phải lo lắng thế nào?
Thách thức đối với các quốc gia ở ngoại vi Trung Quốc là làm sao tranh thủ
được thật nhiều lợi ích kinh tế, xét về thương mại và đầu tư, mà không mất
đi chủ quyền chính trị và kinh tế. Hành động dung hòa này có tính chất
nguy hiểm. Tất cả các quốc gia trong khu vực đều triển khai các chiến lược
phòng vệ để đảm bảo họ không trở thành chư hầu của Trung Quốc. Ví dụ,
Myanmar và Việt Nam đã di chuyển đến gần Hoa Kỳ hơn trong những năm
gần đây. Hơn nữa, tất cả đều được hưởng lợi từ một hệ thống quốc tế bảo
vệ chủ quyền và trân trọng sự tôn nghiêm của biên cương. Tuy thế, những
quốc gia yếu nhất ở ngoại vi Trung Quốc sẽ phải đấu tranh để duy trì chủ
quyền thực sự.
Lối ngoại giao về kinh tế của Trung Quốc hiệu quả nhất ở những nước
nhỏ, tại đó họ tạo được tác động lớn. Những quốc gia yếu và chậm phát
triển là điểm tập trung của cuốn sách này. Trái lại, những nền kinh tế đã
phát triển có ít điều để sợ hơn: Nhật và Hàn Quốc tự bản thân họ là những
nước mạnh. Những quốc gia này không cần đến Trung Quốc để xây dựng
và tài trợ cơ sở hạ tầng, họ là những đối thủ cạnh tranh trong cuộc chơi
ngoại giao về cơ sở hạ tầng. Thực tế, cả hai nước này đều là thành viên cốt
cán trong hệ thống liên minh Hoa Kỳ, và như vậy cho thấy vị thế của Trung
Quốc thực sự yếu như thế nào: trong khi Bắc Kinh thết đãi các nhà độc tài
kém mọn, Washington ngụ ở đỉnh của hệ thống triều cống hùng cường nhất
từng được thiết lập xưa nay.