máy đào, hàng tá con đập mới, các nhà máy điện cũng như các mạng lưới
đường dây điện mới. Bắc Kinh xem sáng kiến này như là phao cứu sinh cho
những công ty mắc nợ đang khốn đốn vì nhu cầu thấp ở quê nhà và đang
hướng đến việc xuất khẩu năng suất dư thừa. Kế hoạch này là cú hích đầu
tư hải ngoại lớn thứ nhì, tiếp theo sau chính sách “hướng ra bên ngoài
(Going Out)” do Giang Trạch Dân phát động năm 1999. Khi đó mục tiêu
này là để cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể mua được
năng lượng và các tài sản khai mỏ. Chính sách được cập nhật hiện nay có
tầm rộng hơn và tham vọng hơn, bao gồm một yếu tố trong nước quan
trọng: Bắc Kinh tính toán rằng việc kết nối tốt hơn sẽ giúp các khu vực giáp
biên kém phát triển trở thành những vùng mậu dịch khả dĩ.
Ngoài ra, còn có những suy xét về tài chính. Tháng Ba năm 2015, Bắc
Kinh phát hành một bản văn kiện chính sách có tiêu đề “Tầm nhìn và hành
động về việc hợp tác xây dựng Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con
đường Tơ lụa trên biển thế kỉ 21”.
Ngoài việc thảo ra những kế hoạch
cải tiến khả năng nối kết và tạo nhiều lộ trình mậu dịch mới trên đất liền và
trên biển, họ còn kêu gọi hợp tác tài chính lớn hơn và kết hợp các thị
trường xuyên biên giới, đề xuất dùng nhiều hơn đồng nhân dân tệ cho thỏa
thuận mua bán. Ðiều này sẽ phục vụ cho tham vọng lâu dài muốn biến
đồng nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế, chiếm được vị trí bên cạnh đồng
đô-la Mỹ và euro. Ngoài ra, Bắc Kinh muốn tìm kiếm một kênh đầu tư có
lợi hơn để tối đa hóa lợi ích của khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ, vốn sẽ trụ
ở mức hơn 3.000 tỉ đô-la Mỹ năm 2016 ngay cả khi có đợt tháo chạy vốn
quy mô lớn vào năm 2015. Thay vì đầu tư những khoản này vào phiếu nợ
ngân khố Hoa Kỳ, sẽ hiệu quả hơn khi tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng
ngoại quốc với mức lãi suất 5-6% – đặc biệt nếu điều này cho thấy được lợi
thế đối với các nhà xuất khẩu và các công ty xây dựng của Trung Quốc.
Mặc dù quá rộng và quá mơ hồ để đưa vào bản đồ lộ trình hoạt động,
nhưng văn kiện chính sách Vành đai và Con đường là minh giải toàn diện
nhất của Bắc Kinh về sáng kiến này. Về bản chất, nó trình bày tầm nhìn
chiến lược nhằm biến Trung Quốc thành đầu tàu phát triển kinh tế chính