kinh tế sẽ giúp Tân Cương được hội nhập vào khu vực và giữ trong vòng
cương tỏa đối với những kẻ theo chủ nghĩa li khai luôn manh động.
Năm 2012, cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố những kế hoạch
nhằm cải tạo thủ phủ của Tân Cương thành “cổng vào khu vực Á – Âu”,
với một sân bay mới và nhiều đường bộ mới chạy đến Kyrgyzstan và
Tajikistan.
Bài diễn văn của ông Ôn Gia Bảo vang vọng tầm nhìn của
Vương Tập Tư, Viện trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế ở trường Ðại học
Bắc Kinh và là một trong những nhà lí luận trứ danh về chính sách đối
ngoại của Trung Quốc. Trong một bài báo công bố hồi tháng Mười cùng
năm đó, Vương cổ xúy việc kiến thiết “một Con đường Tơ lụa mới khởi đi
từ những cảng phía Ðông Trung Quốc, băng qua dải đường bộ ở giữa vùng
Á – Âu, đến bờ Ðông của Ðại Tây Dương và các quốc gia ven Ðịa Trung
Hải ở phía Tây”. Ông cho rằng, thay vì tập trung vào hai vùng Biển Hoa
Ðông và Biển Ðông nhiều phiền hà, Trung Quốc nên “hành quân về phía
Tây”.
Trong bài diễn văn năm 2013 ở trường Ðại học Nazarbayev, Chủ tịch
Tập Cận Bình đã đắp thêm da thịt cho bộ khung này. Ông nói về các tuyến
liên kết thương mại thời thượng cổ giữa Ðông và Tây, thời điểm mà lụa và
những mặt hàng Trung Quốc lên đường từ kinh đô Trường An (nay gọi là
Tây An) băng qua Trung Á đến Thổ Nhĩ Kì và Ðịa Trung Hải. Tập nói một
cách bâng khuâng, “nhìn lại kỉ nguyên ấy, tôi có thể nghe tiếng chuông lạc
đà âm vang ở những vùng núi và thấy những làn khói bốc lên từ sa mạc”.
Một năm sau đó, ông Tập trở lại Trung Á để tham dự hội nghị thượng đỉnh
lần thứ 14 của SCO, tổ chức ở Tajikistan. Nhưng lần này những mối ưu tư
về an ninh lại nằm trên cùng trong chương trình nghị sự của ông: Kêu gọi
một thỏa thuận nhằm giúp chế ngự chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và thúc
giục cơ quan chống khủng bố của SCO đóng vai trò lớn hơn trong việc
chống buôn ma túy.
SCO được sáng lập từ lâu trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu
biểu dương nhiệt tình chuyện kiến thiết một Con đường Tơ lụa mới. Nhưng
hai sáng kiến do Trung Quốc dẫn dắt có nối kết nhau: Giới lãnh đạo Trung