Quốc tin rằng phát triển kinh tế sẽ giúp mang đến tính ổn định cao hơn
trong khu vực, cả ở Tân Cương lẫn những quốc gia yếu hơn ở những vùng
biên cương phía Tây. Bắc Kinh đã đổ nhiều tỉ đô-la đầu tư khắp Tân
Cương, tại đó họ nỗ lực xoa dịu giới quốc gia chủ nghĩa luôn manh động
người Duy Ngô Nhĩ. Và họ đã mở rộng phạm vi quyên trợ đến năm quốc
gia hậu Xô Viết ở Trung Á, giúp các nước này tái thiết cơ sở hạ tầng đổ nát,
một phần để đổi lại quyền tiếp cận nguồn dầu khí ở đây.
Những mối lo lắng về an ninh của Trung Quốc là có thật, mặc dù họ
có thói quen sai lầm khi khắc họa chủ nghĩa quốc gia của Duy Ngô Nhĩ là
chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Tuy vậy, nước đi tiến vào vùng Trung Á
không chỉ là về chuyện đảm bảo tính ổn định khu vực hoặc về chuyện thu
tóm tài nguyên thiên nhiên, dẫu những điều này cũng quan trọng. Ðộng thái
đó còn ra tín hiệu về một sự chuyển dời trong cái nhìn địa chính trị của Bắc
Kinh – vốn từ lâu đã tập trung vào bờ biển phía Ðông Trung Quốc – đối với
các vùng đất biên cương. Ý tưởng “Con đường Tơ lụa mới” đánh dấu việc
Bắc Kinh tái khám phá tham vọng châu lục truyền thống của họ. Các nhà
quan sát vùng Trung Á đã lưu ý một cách thuyết phục rằng sự hiện diện
ngày càng nhiều của Trung Quốc trong khu vực này hơn một thập niên qua
đã dẫn đến việc tạo lập một “đế quốc ngoài chủ ý (inadvertent empire)”.
Nhưng quyết tâm tiếp tục “hành quân Tây tiến” của Tập Cận Bình cho thấy
Trung Quốc hiện đang chủ động tìm cách thiết định chính mình như một
cường quốc kinh tế trọng tâm ở khu vực Á – Âu.
Những tham vọng của Bắc Kinh tập trung vào giao thương và đầu tư,
những việc mà họ xem là một phần của giải pháp đối với vấn đề an ninh ở
Tân Cương. Giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã khích lệ người Hán di trú
đến góc viễn phương này của đế quốc Trung Hoa, nơi có dân cư bản địa
chủ yếu là dân Muslim nói tiếng Thổ Nhĩ Kì. Trước cuộc cách mạng của
Trung Quốc năm 1949, nhóm dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Islam
chiếm hơn 90% dân số Tân Cương; ngày nay sắc dân này chiếm chỉ 40%
trong số 22 triệu cư dân. Bắc Kinh đã đổ nhiều tiền vào việc nâng cấp hệ
thống vận tải và kiến thiết những ngành công nghiệp dầu khí, vốn là những