lĩnh vực chi phối nền kinh tế Tân Cương. Nhưng phần lớn số tiền tài này đã
chảy về lại Bắc Kinh hoặc chảy vào túi những di dân Hán tộc, và chuyện đó
đã tiếp nhiệt cho lòng oán hận và các cuộc phản kháng trong nhóm tộc
người thiểu số Duy Ngô Nhĩ bản địa. Năm 2009, nhiều cuộc bạo loạn do
người Duy Ngô Nhĩ cầm đầu đã giết chết 197 người và làm bị thương gần
2.000 người.
Năm 2013, bạo lực lan ra bên ngoài Tân Cương. Tháng Mười năm đó,
một chiếc xe jeep do một kẻ phản kháng người Duy Ngô Nhĩ điều khiển đã
đâm vào đám đông khách bộ hành ở ngoài rìa quảng trường Thiên An Môn
và bốc cháy, giết chết năm người. Tiếp theo, vào tháng Ba năm 2014, tám
người Duy Ngô Nhĩ cầm dao đã điên cuồng xông vào một nhà ga đường sắt
chật kín người ở Côn Minh phía Tây Nam Trung Quốc, giết 29 người và
làm bị thương 140 người khác – một cuộc tàn sát được truyền thông nhà
nước Trung Quốc mô tả là “9/11 của Trung Quốc”. Một tháng sau, hai kẻ
đánh bom tự sát đã kích nổ bom tại một nhà ga đường sắt ở Ürümqi – vụ
đánh bom đầu tiên ở thành phố này trong 17 năm. Và vào tháng Bảy, một
vụ bạo loạn sắc tộc ở huyện Toa Xa (Shache) phía Nam Tân Cương đã làm
96 người chết theo tin chính thức. Số người chết được trình báo năm 2014
ở khoảng 400, mặc dù con số thực có lẽ cao hơn nhiều.
Bắc Kinh cho rằng những vụ tấn công này phát xuất từ chủ nghĩa li
khai được tiếp nhiệt bằng Islam cực đoan. Họ tin chắc rằng bọn khủng bố
đang nỗ lực tạo nên một nhà nước Hồi giáo độc lập ở Tân Cương, được chỉ
đạo bởi các thế lực ngoại quốc thù địch có liên kết với al-Qaeda và Taliban.
Kể từ vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York năm 2001,
họ đã công khai liên kết chuyện đàn áp ở Tân Cương với Cuộc chiến Toàn
cầu chống Khủng bố do Hoa Kỳ đề ra, khắc họa Trung Quốc là nước cùng
cảnh ngộ, một “nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Một cách cụ
thể, họ chỉ trích tổ chức mờ ám và mơ hồ có tên là Phong trào Islam của
Ðông Ðột Quyết (ETIM) chuyên dàn xếp những vụ tấn công khủng bố từ
nước ngoài.