Người ông giới thiệu đương nhiên là Ngô A Quế. Hiệu trưởng Lâm
cũng là một chính nhân quân tử đúng nghĩa, nghe những lời nhiệt huyết của
Cô An Thuận xong cũng có phần xúc động, lập tức làm công văn gửi lên
thành phố, thế là Ngô A Quế trở thành người lấp vào vị trí khuyết của
người làm tạp vụ.
Không lâu sau, sự thông minh, nhanh nhẹn và chăm chỉ của Ngô A
Quế đã nhận được lời khen ngợi từ tất cả các giáo viên trong trường, Cô An
Thuận vì thế cũng thấy nhẹ cả người. Đáng tiếc, sau mùa hè năm ấy, khi
học kỳ mới vừa bắt đầu, Cô An Thuận đã không còn nghe được bất cứ tin
tức nào về Ngô A Quế nữa.
Năm đó, sau khi vào năm học mới không lâu, Cô An Thuận bị cuốn
vào làn sóng khủng bố trắng, vì bị nghi ngờ tham gia vào Đảng cộng sản
Đài Loan nên ông đã bị bắt ngồi tù. Ở thời điểm đó, việc này giống như
mắc phải căn bệnh nan y vô cùng nghiêm trọng. Đến người nhà ông cũng
không dám dò hỏi hành tung của ông, ngay cả biết thông tin về ông lại càng
không dám đến thăm. Cô An Thuận lúc này đang bị giam trong Sở cảnh sát
đã nghĩ rằng, từ giây phút này ông đã bị toàn bộ thế giới bỏ rơi.
Thời điểm đó, có một hôm điệp viên Cục tình báo, người đã từng đến
bắt ông lại đặc biệt đến thăm ông. Cô An Thuận thấy rất khó xử. Sau khi
ông ta không quên khuyên bảo Cô An Thuận phải thành thật khai báo tổ
chức của mình ở đâu lập tức đưa cho ông một bọc đồ.
- Đây là của học sinh ông gửi cho ông. Vốn dĩ ông là tội phạm phản
bội quốc gia, không cần ai tiếc thương ông cả. Thế nhưng ông lại có những
học trò ngoan, tuổi còn nhỏ mà biết tôn sư trọng đạo, cô bé khóc lóc kêu
gào ầm ĩ trước mặt Cục trưởng nhất định đòi gặp mặt ông một lần mới cam
lòng. Cục trưởng đành phải nhận lời sẽ đưa những vật dụng thường ngày
này tới cho ông, cô bé ấy mới chịu lặng lẽ thút thít ra về.