Thái đề nghị đào thêm hầm. Tối hôm đó, mọi người lăng xăng sửa lại
hầm. Nhà dựng được thêm một cái hầm nổi nữa. Trời chạng vạng là cậu
Giáo bắt mọi người không được ra sân hay lấp ló ngoài cửa. Ngoài đường
không còn một bóng người đi lại, kể cả lính Việt và Mỹ cũng rút vào những
nơi an toàn. Tôi bỗng linh cảm như sắp có chuyện gì xảy ra. Giữa cảnh yên
lặng như đang lắng lòng chờ đợi một chuyện gì đó.
Nhưng đêm đầu tiên ngủ ở Thủy Dương Hạ không có chuyện gì xảy ra
hết. Sáng sớm hôm sau, ngủ dậy, tôi nghe tiếng chim hót. Tôi lần ra sân rửa
mặt súc miệng, rồi cùng với người con dâu của cậu Giáo đi ra ngõ coi tình
hình. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường, trước cửa nhà, bên kia đường, nơi
đình, chợ vẫn đông. Nhưng sự đông đúc có một vẻ gì khác thường. Lài kéo
tôi sang phía chợ, nơi hàng bán cháo lòng, người đứng người ngồi, họ ăn
uống xô bồ. Bên cạnh đoàn người đang ngồi đứng đó, còn những đống đồ
cao ngất, những thúng gióng. Hình như họ mới tản cư về sáng nay. Tôi lại
hỏi thăm. Nhưng ai cũng chỉ biết chuyện người đó. Nhiều người ở An Cựu,
nhiều người ở tận dốc cầu Nam Giao, nhưng họ cũng chả cho tôi biết gì
hơn ngoài những tin tức đã nhận được. Một người nói cho tôi biết là ở trên
kia, còn nhiều người bị thương. Lài kéo tôi bảo lên coi. Cô nàng chưa bị
chạy loạn, từ hôm Tết đến nay, ở Thủy Dương Hạ yên ổn quá, chả biết sợ là
gì. Nhưng tôi thì khác, một tiếng súng, một tiếng động lạ cũng làm tôi giật
mình. Má tôi đứng ở trong sân, thấy chúng tôi đi xa thì gọi lại bảo đừng có
đi. Tôi nói vài câu cho má tôi an tâm. Câu mà má tôi bằng lòng nhất là khi
tôi nói may ra ở trên đó có người ở Từ Đàm về.
Trời vẫn mưa bay, nếu không phải chạy loạn, những ngày đầu xuân mưa
phùn thế này thật tuyệt diệu. Nhưng lúc này tôi không còn đủ sức để ngắm
phong cảnh nữa. Những đoàn người từ Huế tản cư về vẫn là cảnh chính đập
vào mắt tôi. Tôi nôn nao, gặp ai cũng hỏi thăm dù biết là những câu trả lời
của họ giống nhau hết.
- Bác ở mô về đó?