- Ở An Cựu.
- Bến Ngự.
- Ở cầu Nam Giao.
- Trên đó ra răng rồi chị? rồi mệ? rồi bác? rồi anh?
- Tan nát hết. Tan hết rồi.
Câu nói chạy vút theo những bước chân. Đoàn người nào cũng vừa đi
vừa chạy như sợ tiếng súng sẽ theo kịp. Lài kéo tay tôi:
- Thôi đi, hỏi ai cũng như nhau hết.”
Tôi đi theo Lài, nhưng hễ gặp là hỏi. Kẻ trả lời, kẻ không buồn mở
miệng. Kệ, tôi như nhiễm một thói quen khó bỏ và dù những câu trả lời rất
giống nhau mà mỗi lần nghe tôi vẫn còn bỡ ngỡ, lạ lùng như khám phá
thêm một điều lạ nữa.
Chúng tôi đi qua một khoảng đất trống, cái quán nhỏ và khu đồn binh
hiện ra. Ở đây thật là một cảnh hỗn độn, người ngồi người nằm la liệt bên
đường, trong sân, trước quán. Mấy anh lính, mấy anh dân vệ lăng xăng soát
giấy người này, hỏi thăm người nọ. Mấy người Mỹ đứng ngắm đoàn người
rồi nhe răng cười vô duyên, chả hợp tình hợp cảnh chút nào. Những người
bị thương được sắp một nơi và đã có mấy y tá trong vùng ra băng bó. Hỏi
thăm mới biết là đoàn người này từ nhiều nơi đổ về. Họ cho biết cầu Tràng
Tiền đã sập, cầu An Cựu cũng đã sập. Có người ở bên phố thoát được nhờ
mạo hiểm đi đò. Mỗi chuyến đò chở một người sang sông phải trả trên năm
ngàn đồng.
Nhờ hỏi thăm những người mới về sáng nay, mà tôi biết Huế đã đánh
nhau khắp nơi, bên phía Quốc gia chưa chuyển quân mà mới bắn đại bác và
thả bom. Máy bay liệng suốt ngày. Máy bay còn kêu gọi dân chúng cố dồn